Mắt sáng, lòng trong, bút sắc…

Nhìn lại chặng đường phát triển và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Đồng Nai nói riêng luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước và của Đảng bộ tỉnh.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 5 từ phải qua); Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cao tại Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2022. Ảnh: Hồ Thảo

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 5 từ phải qua); Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cao tại Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2022. Ảnh: Hồ Thảo

Dù vậy, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, xét trên địa bàn cả nước, hoạt động báo chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong số đó là vẫn còn hiện tượng người làm báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tôn chỉ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” mà người làm báo chân chính luôn tâm huyết gầy dựng và gìn giữ.

* Đề cao lương tâm và trách nhiệm

Ngày 2-3-2023, Công an H.Định Quán đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tâm Trình (40 tuổi), phóng viên Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Nguyễn Văn Thọ (42 tuổi), cộng tác viên của tạp chí này để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo đó, vào cuối tháng 2-2023, trong quá trình cải tạo đất, một người dân ở xã Phú Lợi (H.Định Quán) đã vận chuyển một số hòn đá về khu vực khác. Khi phát hiện sự việc, Trình và Thọ đã theo dõi, chụp hình, rồi liên hệ người dân hù dọa viết bài về khai thác khoáng sản trái phép. Sau đó, yêu cầu người dân nói trên chi tiền để không bị viết bài phản ảnh lên báo. Khi người dân này giao tiền cho Thọ và Trình thì lực lượng công an phát hiện, ập đến bắt giữ cả hai.

Hay vào ngày 21-5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Toàn (27 tuổi, ngụ TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), là phóng viên của một tạp chí và Trần Thị Nhung (36 tuổi, ngụ TP.Đồng Hới) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đi sâu vào thực tế, đời sống quần chúng lao động.

Theo cơ quan điều tra, sau khi phát hiện một số cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có dấu hiệu sai phạm, Toàn và Nhung đã tìm đến gặp những chủ cơ sở này, xuất trình thẻ nhà báo rồi uy hiếp, yêu cầu phải đưa 40-50 triệu đồng thì mới chịu bỏ qua. Nếu các chủ cơ sở kinh doanh không làm theo, các đối tượng sẽ đăng bài phản ánh sai phạm, khiến cho cơ sở kinh doanh phải đóng cửa...

Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, đạo đức nghề báo đã diễn ra trong thời gian qua. Thực tế vẫn còn nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp để vụ lợi cá nhân, không làm tròn bổn phận, sứ mệnh của người làm báo cách mạng…

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Hạn chế, tồn tại nêu trên sẽ là cản trở trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này.

Ngày 16-12-2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ký Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và nêu rõ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều. Một trong số đó là phải: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí tháng 3-2023

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí tháng 3-2023

“Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo” - Điều 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nêu rõ.

* Tăng cường chỉ đạo, quản lý

Tại Đồng Nai, theo Hội Nhà báo tỉnh, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, đội ngũ những người làm báo tiếp tục được nâng cao chất lượng chính trị, nghiệp vụ. Hội Nhà báo tỉnh cũng sớm tổ chức sinh hoạt, quán triệt trong toàn thể hội viên các quy định trong Luật Báo chí năm 2016, gắn với việc triển khai thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ và đạo đức nghề báo cho đội ngũ những người làm báo được Hội Nhà báo tỉnh, các chi hội và các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, năng lực tác nghiệp của nhà báo ngày càng được hoàn thiện; đội ngũ nhà báo, hội viên thực hiện khá tốt Luật Báo chí và các quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng luôn quan tâm chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí, người làm báo được tăng cường…

Ngày 21-7-2022, Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 172-KH/TU về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sau đó cũng ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND thực hiện kế hoạch nói trên của Ban TVTU. Mục đích là nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm và tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.

* Ý thức đầy đủ trách nhiệm xã hội

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh chia sẻ, sinh thời, khi nói về nghề báo, nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân - một trong những cây bút lão luyện trong những nhà báo cách mạng Việt Nam đúc rút: “Làm cái nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề”. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao, người làm báo cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng ngòi bút để phản ánh vấn đề một cách khách quan.

“Đội ngũ người làm báo trong tỉnh cần tiếp tục không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tổ chức tốt kỷ luật nội bộ, trong đó cần chú trọng xây dựng quy chế nội bộ, chăm lo tốt đời sống cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên; xây dựng thương hiệu cơ quan báo chí... Qua đó, giúp phóng viên, biên tập viên tránh được những rủi ro hay vi phạm pháp luật trong tác nghiệp” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Tấn Linh cũng cho rằng, thời gian qua, vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí trong tỉnh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Song báo chí cần tăng cường mạnh mẽ vai trò giám sát và phản biện xã hội. Báo chí không “tô hồng” quá mức, không “bôi đen” hiện thực mà phải năng động, sáng tạo, không ngại khó khăn để phản ảnh những vấn đề gai góc, được dư luận và người dân quan tâm. Tăng cường hơn nữa số lượng tin, bài có tính chất phát hiện các mô hình, nhân tố mới, hoặc những đóng góp, dự báo, hiến kế cho tỉnh để góp phần thúc đẩy sự phát triển.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/ky-niem-98-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-mat-sang-long-trong-but-sac-3169320/