Mặt trận Việt Minh - Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Theo sáng kiến của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào đúng ngày này 83 năm trước đây, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Hơn 8 thập kỷ qua, Mặt trận Việt Minh là biểu hiện sinh động nhất sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay.

Tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… thực hiện nhiệm vụ cách mạng

Tháng 5/1941, hơn 3 tháng sau khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa I.

Tại đây, Trung ương đã quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, khẳng định: Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

“Chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 tháng 5/1941 chỉ rõ.

 Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu

Ngay thời điểm đó, Đảng đã xác định lực lượng chính trị quần chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lực lượng đứng lên Tổng khởi nghĩa. Và để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng này đòi hỏi phải có 1 tổ chức nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân cho 1 mục tiêu chung.

Vì lẽ đó, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.

Về tổ chức: Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ có Ban Chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh.

Về chủ trương: Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở; giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng nǎm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Ngày 25-10- 1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh khẳng định: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập’’.

“Chương trình Việt Minh” do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chắp bút đã chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho Việt Nam, ký những hiệp ước giao hảo và bình đẳng với mọi nước về mọi phương diện…liên hiệp với tất cả nhân dân và dân tộc bị áp bức trên thế giới”3

Mặt trận Việt Minh cũng đề ra Chương trình cứu nước gồm 44 điểm bao gồm các chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, các tầng lớp nhân dân. Các chính sách này nhằm thực hiện hai mục tiêu: Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; Làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do.

Nhờ có chủ trương, chính sách rõ ràng, đúng đắn, Mặt trận Việt Minh đã phát triển nhanh chóng từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên.

Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Nói về cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, nhiều ý kiến đã đồng nhất khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó Mặt trận Việt Minh là nhân tố quan trọng góp phần tập hợp đông đảo quần chúng, hình thành lực lượng chính trị hùng hậu để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đưa Cách mạng Tháng Tám đi tới thắng lợi vẻ vang.

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút. Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Tháng 8/1944, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào "sắm vũ khí đuổi thù chung", phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

 Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước đứng dậy đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho dân tộc, ngày 23/10/1941.

Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước đứng dậy đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho dân tộc, ngày 23/10/1941.

Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tổ chức các lớp huấn luyện, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.

Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!... Thắng lợi nhất định sẽ về ta!"

Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

Từ lời kêu gọi, nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Nói về nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Tám, trong “Thư gửi các đồng chí Tỉnh nhà” ngày 17-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.

- Vì sao có cuộc thắng lợi đó?

Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Sức mạnh nội sinh từ khối toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Hơn thế nữa, thành công của Mặt trận Việt Minh không chỉ tạo dấu ấn lịch sử trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác xây dựng Mặt trận, tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc trong các giai đoạn cách mạng sau này.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mat-tran-viet-minh--noi-hoi-tu-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-post296064.html