Mấy mùa thương nhớ

Mấy hôm nay Vừ thấy mẹ khác lắm. Mặt mẹ buồn thiu, mắt thẫn thờ như nghĩ điều gì đó xa xăm lắm. Từ trước tới giờ đã nhiều lần Vừ làm mẹ buồn, nhưng chưa khi nào thấy mẹ buồn như vậy. Rũ như bông hoa cuối mùa.

Hay là Vừ đã làm gì khiến mẹ phật ý. Ôi chao, tại Vừ, cái thằng con hư đi uống rượu xuân với đám bạn trong làng đến hết đêm không chịu về nhà khiến mẹ mong, mẹ giận đây mà. Vừ thấy áy náy quá.

Chiều, trước khi lùa đàn bò về chuồng, Vừ đã kịp hái một bó tam giác mạch, loài hoa mà mẹ già thích nhất. Mỗi khi muốn mẹ nguôi giận, Vừ đều làm như vậy. Cái thằng con trai mười tám, ngang đầu trái khoáy không sợ đất, không sợ trời, chỉ sợ mẹ buồn. Từ nhỏ đến giờ Vừ chỉ có mẹ là người thương nhất, chẳng gì sánh được. Thế mà có dạo Vừ theo đám trai làng đi khai thác lâm sản, tranh nhau với nhóm khác. Rồi đánh nhau, mẹ già phải vay mượn hàng xóm, đi cả ngày cả đêm đến gặp người ta xin tha cho. Mẹ già giận lắm. Lời bà dạy nó để trên tóc cho gió thổi bay rồi.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

- Mày giống ai mà ngang ngược thế?

Mẹ già vừa đấm ngực vừa mắng Vừ.

- Con cũng chẳng biết, mẹ nói xem con giống ai bây giờ.

Câu trả lời của thằng con trai làm bà Súa buồn lắm. Không phải vì nó cãi bà, mà nó đã vô tình chạm đến cái nỗi đau bao năm nay được khâu kín trong lòng, giờ nó vỡ vung ra không cách nào giữ lại. Bà Súa không nói gì, lặng lẽ quay về nhà. Vừa đi bà vừa nhìn xuống dưới chân mình, bàn chân thô kệch chai sạn. Mắt bà hoa đi, nhìn không rõ từng bước mình đi nữa. Cũng bàn chân này, bà Súa bỏ đi trong đêm tối. Bà không nhớ được có bao nhiêu cái gai rừng đâm nát bàn chân, chảy máu thế mà vẫn đi, băng qua cánh rừng tối thăm thẳm ấy, không nhìn thấy đỉnh núi Thề nữa thì thôi.

Từ hôm ấy, Vừ biết mình sai nên không bao giờ dám hỏi bố mình là ai nữa. Anh cũng đủ lớn để hiểu, đôi khi người lớn có những bí mật riêng của họ. Vậy thì sao mấy hôm nay mẹ Vừ lại buồn thế? Hay là lo chuyện cưới xin. Vì Tết này Vừ sẽ đưa con Mẩy về ra mắt mẹ chồng.

Lùa đàn bò vào chuồng xong, Vừ cầm bó hoa sau lưng, nhón chân thật nhẹ vào cửa. Mẹ già đang ngồi ở góc nhà, tay cầm túi vải thơm màu đỏ đã cũ. Mẹ khóc. Rồi đêm ấy, Vừ ngồi sửa lại cái khèn thì mẹ lên tiếng. Có gì đó ngập ngừng dò ý.

- Ngủ sớm đi, mai còn lên đường. Đường xa lắm.

Vừ ngẩng đầu nhìn mẹ.

- Đi đâu thế mẹ?

Mẹ không trả lời, lặng lẽ xếp dăm ba thứ vào chiếc gùi rồi tần ngần đếm lại những đồng tiền mà bà tích cóp ngần ấy năm.

Quả là đường xa, thằng con trai sức khỏe ngang con ngựa thồ như Vừ mà còn thấy xa nữa là. Sao lại đi xa thế? Vừ cứ ngửng đầu lên định hỏi rồi lại thôi. Đường xa mấy mà cái đầu không nghĩ đến bước chân thì không còn thấy xa nữa. Mà bà Súa thì đang nghĩ đến nhiều chuyện lắm. Vừa nghĩ vừa thấy khó xử, chuyến đi lần này có nên không? Tại sao bà phải trèo đèo lội suối để gặp lại người đàn ông ấy? Người đã đánh đuổi bà đi khi bụng mang dạ chửa giữa đêm rừng? Là vì cái bụng vẫn còn thấy thương xót cho người ta ư? Bà rơi nước mắt. Đàn bà sao mà dại dột quá, chỉ tự làm khổ mình thôi.

Mỗi đoạn đường là mỗi kỷ niệm ùa về làm ruột gan bà đau xé. Mười tám năm trước, Súa còn là một đứa gái đẹp mà lại ngoan mới đón cái tết đầu tiên bên nhà chồng. Vẫn sung sướng lắm khi cái bụng lùm lùm lớn, nó là tình yêu của Súa với Sùng. Thằng con trai khỏe như con hổ ở bản và đứa gái xinh làm chao đảo lũ trai. Dạo ấy Sùng theo người ta đi chuyển hàng qua biên giới, dư dả tiền để làm cho Súa cái nhà gỗ to nhất bản, sắm cho Súa những cái váy bẩy màu khiến cả gái bản cũng phải ghen. Chỉ có điều Sùng đi nhiều quá, thỉnh thoảng mới về thăm Súa. Mà Súa thì như bông hoa đang thì cứ đẹp hây hẩy thế kia. Mỗi bận bước ra khỏi cửa, Sùng lại dặn.

- Đừng đi đâu xa quá, đợi Sùng về nhé.

Một dạo, Sùng về mang theo một người đàn ông dưới xuôi. Vừa gặp Súa mắt gã đã như mê dại. A ha, nghe tiếng gái bản đẹp, giờ mới được nhìn thấy đây. Sùng bảo đấy là người cùng làm ăn với Sùng. Tin tưởng được. Thỉnh thoảng Sùng không về mà gửi tiền nhờ gã đàn ông ấy đưa cho Súa. Súa cúi đầu không dám nhìn vào mắt người ta. Vì ánh mắt ấy có lửa, cứ thiêu đốt bầu ngực Súa, sợ lắm.

Gã đàn ông đi, chỉ nói lại một câu. Súa đẹp lắm.

Đêm trăng muộn, sáng vằng vặc lưng đồi, nhỏ thưa đều như ánh bạc xuống da thịt đứa gái tắm đêm. Súa cười lanh lảnh khỏa nước. Bầu ngực trắng ngần ấy mới đẹp làm sao. Lỡ bước chân, gã khách va phải đám ngô treo bên hông nhà. Súa hét lên. Gã khách vùng chạy. Vừa chạy vừa cười, thôi thế là cũng thỏa niềm ao ước. Bao lâu nay gã chỉ muốn được ngắm gái bản tắm.

Chuyến hàng cuối năm trót lọt, đám bạn khách làm bữa liên hoan. Đã quý nhau thì phải uống rượu bằng bát. Rượu cạn đáy, người cũng biêng biêng. Gã khách ngồi ngắc ngư mà chỉ vào mặt Sùng và nói:

- Mày sướng quá, có con vợ đẹp nhất bản. Rồi mày làm ăn còn phất, còn phất lên nữa.

Sùng cười khà khà.

- Sao mày biết tao còn phất? Bây giờ chặt lắm. Được đến đâu hay đến đấy thôi.

Gã lắc đầu.

- Mày không biết đâu. Bọn người xuôi chúng tao xem vợ để biết được sự nghiệp của chồng. Đứa con gái có nốt ruồi đỏ ở bầu ngực như con Súa thì quý lắm.

Sùng chết sững người như vừa bị tạt một gáo nước lạnh, lao đến túm cổ áo thằng bạn dưới xuôi gào lên.

- Sao mày biết vợ tao có nốt ruồi đỏ trên ngực?

Gã khách cười.

- Thế tao mới tài chứ.

Nói xong câu ấy, gã khách gục xuống, say quên trời đất. Hôm sau, bọn khách tỉnh dậy không thấy thằng Sùng đâu. Chỉ thấy mấy hũ rượu cạn trơ đáy. Sùng đi thâu đêm về đến nhà. Từ xa đã thấy váy bẩy mầu của Súa phơi trước cửa bay phấp phới. Sao mà Sùng ân hận thế, sắm váy đẹp cho đứa vợ hư làm gì? Để cái chân trắng ngần của nó phơi ra cho bọn trai lạ ngắm. Làm nhà đẹp cho nó làm gì để nó sung sướng xinh đẹp thế kia. Chỉ khổ Sùng thôi. Chỉ tội cho thằng Sùng này thôi. Người làng nói mà Sùng không nghe, “Có vợ đẹp mà để ở nhà rồi đi biền biệt thế thì khác nào chăn dê mà không có chuồng, dễ mất lắm.”

Thế mà Sùng mất vợ thật, mà mất một cách nhục nhã mới đau. Súa vẫn cười với Sùng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cứ như mắt thằng Sùng này mù đi rồi. Tức quá. Sùng sầm sập đi tới, giáng cho Súa một cái tát nổ đom đóm mắt. Lúc này Súa chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cái tay còn đang thêu dở cái áo cho đứa con trong bụng.

- Đồ dê cái, đồ đàn bà hư!

Từ hôm ấy, Sùng không đi làm nữa, cũng không ra khỏi nhà. Từ sáng đến tối chỉ uống rượu và chửi Súa. Dù Súa có gặng hỏi đến mấy thì Sùng cũng không trả lời. Tại sao Sùng lại thành ra như vậy? Cứ như bị ma rừng ám vào người, chứ kia không phải người chồng mà Súa đã thương yêu và yêu thương Súa. Súa ngồi dưới bếp, khóc chán lại thôi. Súa hỏi đứa con trong bụng, sao lại thế? Súa cũng tự hỏi mình mà không tài nào trả lời được.

Một hôm, Súa vừa gùi ngô về đến cửa thì nghe thấy tiếng lịch kịch ở nhà trên. Thò đầu vào thì thấy Sùng đang quấn lấy đứa đàn bà lạ trên chiếc giường cưới của Súa. Không khóc được nữa, mắt cứ lòa đi. Chẳng biết là bao lâu, cho đến khi đứa đàn bà lạ bước ra cửa rồi bước qua Súa như một khúc củi vô hồn. Sùng vừa đi vừa đóng cúc. Tiếng cười lanh lảnh của đứa đàn bà lạ như lùa vào gan ruột Súa.

Súa ôm bụng ngồi đấy cho đến đêm, để da thịt mình thấm sương lạnh, cho đến khi cái đạp của đứa con trong bụng Súa mới giật mình. Rồi Súa thấy đau đớn quá, cứ như bị ai đó cầm dao rạch ngực ra để lấy mất quả tim rồi. Sùng nhìn Súa rồi bảo: “Đứa con trong bụng Súa chắc gì đã là con của Sùng”. Đã thế thì ở lại cái nhà đẹp này làm gì nữa. Súa đi, không mang theo bất kì thứ gì. Có chết, Súa cũng không mang theo thứ gì cả. Đời này kiếp này Súa không bao giờ muốn gặp lại Sùng nữa.

Thế mà hôm kia đi chợ phiên bán vải, bà Súa gặp người trên bản cũ xuống. Người ta nhận ra và đưa cho bà một cái túi thơm bên trong đựng mấy cái lá chao khô. Bà lắc đầu. Bây giờ đối với bà cái túi kia chẳng còn gì nữa để mà nhận. Người làng cũ lắc đầu, ông Sùng giờ gần đất xa trời rồi. Từ ngày mẹ con Súa bỏ đi, lão Sùng châm lửa đốt căn nhà to nhất bản ấy rồi bỏ vào rừng sống trong túp lều, suốt ngày lùi lũi như con dúi. Thấy bảo lão ta vẫn thỉnh thoảng lén xuống chợ này để gặp bà nhưng không dám đến trước mặt. Thôi thì cũng một kiếp người, trước khi ông ấy chết, muốn được gặp bà và đứa con trai bao năm ông ấy thương nhớ. Bà đến để ông ấy về giời.

Đường hun hút, dây rừng giăng mắc. Hai mẹ con Súa cứ đi như người được dẫn lối cho đến khi gặp một túp lều lợp bằng cây rừng bên suối. Bên trong túp lều ấy, người đàn ông tiều tụy không còn sức sống nằm trên chiếc giường. Mắt ông ấy vẫn hướng ra cửa như ngóng đợi điều gì. Khi thấy mẹ con bà Súa đến thì một giọt nước mắt đục ngầu bật ra rơi nghiêng trên má.

- Tôi biết bà sẽ đến.

Tiếng nói của lão Sùng chua chát và đau đớn quá. Thì ra bà Súa còn thương, còn yêu, còn giận người đàn ông này lắm.

- Tôi có tội với mẹ con bà!

Bà Súa khóc, mười tám năm nay bà mới được khóc thỏa thuê đến vậy. Khóc cho bõ tủi hờn, thương nhớ. Mười tám năm làm khổ nhau, chỉ vì giận hờn, ghen tuông nghi ngờ, chớp mắt đã hết một đời người.

- Lại với bố đi Vừ!

Vừ nhìn mẹ rồi nhìn người đàn ông trong nhà. Chỉ vài câu nói của hai người Vừ đã đủ hiểu. Vừ đến cầm tay bố và nói:

- Bao năm nay mẹ con con vẫn mong bố về.

Ông Sùng ứa nước mắt mỉm cười hạnh phúc. Trước mắt ông hình ảnh đứa con trai thật giống ông hồi trẻ. Cũng cái trán cao và bướng ngày nào. Vừ biết ý ra ngoài để hai người xa nhau có thời gian nói chuyện. Vậy là mùa xuân này hoa sẽ nở khắp sườn đồi và trong ngôi nhà đơn sơ của mẹ con Vừ sẽ có bốn người chứ không như mọi năm nữa. Vừ ngửa mặt nhìn bầu trời cuối ngày giăng mây xám xịt, nhưng phía chân trời những luồng sáng rực rỡ le lói vươn ra.

Truyện ngắn của CAO NGUYỆT NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/may-mua-thuong-nho-627137