Mệt mỏi với tình yêu 'lốp dự phòng'

SVO - Thời gian gần đây, tình yêu kiểu 'lốp dự phòng' đang là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Bản chất của 'lốp dự phòng' là việc duy trì một mối liên kết tình cảm mập mờ với một người không phải là người yêu chính thức, như một phương án 'dự trữ' trong trường hợp mối quan hệ hiện tại gặp trục trặc.

>

Không yêu nhưng cũng không muốn mất

Thay vì đặt niềm tin trọn vẹn vào một người, không ít bạn trẻ ngày nay lại chọn cách giữ thêm một hoặc vài người ở "rìa" trái tim, với lý do "biết đâu sau này cần đến". Những người này không được yêu đủ đầy, nhưng cũng không bị buông bỏ hoàn toàn. Họ được giữ liên lạc, chăm sóc vừa đủ, nhắn tin hỏi thăm theo chu kỳ, như thể luôn cần có ai đó trong vùng phủ sóng cảm xúc để không cảm thấy trống vắng.

"Lốp dự phòng" là thuật ngữ được giới trẻ dùng để mô tả những người luôn “sẵn sàng” thay thế, ở bên, quan tâm, chăm sóc đối phương khi "lốp chính" vắng mặt.

Tình cảm đơn phương không mới, nhưng khi được giữ lại trong mối quan hệ mập mờ, thân thiết như người yêu, nhưng không được yêu được các bạn trẻ Gen Z gọi là: "lốp dự phòng", hay còn gọi là "Michelin boy/girl". Thuật ngữ này bắt nguồn từ hãng lốp xe nổi tiếng Michelin, được giới trẻ dùng để mô tả những người luôn sẵn sàng thay thế, ở bên, quan tâm, chăm sóc đối phương khi “lốp chính” vắng mặt.

Một tối cuối tháng Sáu, T.H., hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Xây dựng vừa tan lớp học thêm muộn thì nhận được tin nhắn từ G.L. cô bạn thân lâu năm: “Tớ rối quá, cần ai đó để nói chuyện.”

Không một phút do dự, H. vòng xe qua phố Lê Thanh Nghị, tới quán cà phê quen thuộc. Hai tiếng đồng hồ, cậu ngồi yên lặng nghe L. kể về áp lực ở trường học, về mối quan hệ đang trên bờ vực rạn nứt giữa L. và bạn trai. H. hiểu, mình chỉ là một người bạn, người luôn ở đó khi cô cần, nhưng chưa từng được trao cho cơ hội để yêu.

Một nghiên cứu chuyên sâu về các mối quan hệ "dự phòng" (back-burner relationships) đăng trên tạp chí Computers in Human Behavior đã hé lộ một con số đáng kinh ngạc: khoảng 73% người trẻ thừa nhận đang duy trì liên lạc với ít nhất một "phương án B". Đáng chú ý hơn, hơn một nửa trong số những người đã ở trong một mối quan hệ chính thức, cam kết vẫn không ngần ngại "giữ ấm" cho một người khác.

Vậy điều gì thúc đẩy một người giữ cho mình một "phương án B"? Trái với suy nghĩ thông thường rằng đây là dấu hiệu của một mối quan hệ chính đang trên đà đổ vỡ, các nhà tâm lý học lại chỉ ra một nguyên nhân khác.

Một nghiên cứu đăng trên Journal of Social and Personal Relationships năm 2018 cho thấy yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho việc có "lốp dự phòng" không phải là sự bất mãn với người yêu hiện tại, mà là chất lượng và sự sẵn có của những lựa chọn thay thế. Trong kỷ nguyên số, khi việc duy trì kết nối qua mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, việc giữ một vài người "trong tầm ngắm" được xem như một chiến lược đầu tư tình cảm ít tốn kém, nhằm đảm bảo luôn có một mạng lưới an toàn về mặt cảm xúc.

Ở Việt Nam, cụm từ “Michelin boy/girl” ngày càng phổ biến, đặc biệt trong các video TikTok, hội nhóm Facebook về tâm lý, tình cảm. Những câu chuyện bị “friendzone”, bị lợi dụng cảm xúc, hay bị lôi vào các mối quan hệ mập mờ đang trở thành chủ đề nóng, thu hút hàng triệu lượt tương tác.

Nguyễn Phi Yến, 24 tuổi, hiện đang làm trong ngành truyền thông, quảng cáo, nhận định: “Mình nghĩ nhiều bạn không cố tình biến người khác thành phương án dự phòng, mà đơn giản là họ không biết cách dứt khoát. Nhưng dù vô tình hay cố ý, thì người bị ‘treo’ tình cảm sẽ chịu tổn thương rất lâu".

Phi Yến không đồng tình với cách yêu kiểu "lốp dự phòng".

Yến kể từng chứng kiến bạn thân bị một cô gái mập mờ suốt hơn một năm, nhưng khi có người yêu mới, cô lại chủ động cắt liên lạc: “Bạn mình không trách, nhưng nhìn thấy rõ là tổn thương. Tình yêu không phải là phép thử và con người không phải phương án thay thế".

Thu Trang cho rằng kiểu yêu “giữ chỗ” không chỉ khiến người trong cuộc bị tổn thương mà còn là hành vi không tôn trọng lẫn nhau từ cả hai phía.

Nguyễn Thu Trang, 23 tuổi, hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ: “Đặt ai đó ở vị trí dự phòng đã là một hành vi không công bằng, còn để bản thân trở thành ‘lốp dự phòng’ trong câu chuyện tình cảm của người khác lại càng nguy hiểm. Nó khiến mình nghi ngờ chính giá trị bản thân”. Với Trang, kiểu yêu “giữ chỗ” không chỉ khiến người trong cuộc bị tổn thương mà còn là hành vi không tôn trọng lẫn nhau từ cả hai phía.

Biểu hiện của mối quan hệ độc hại

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh, hiện đang công tác tại Viện Đại học California tại Davis – UC Davis, Mỹ, nhận định tình yêu kiểu “lốp dự phòng” là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở giới trẻ đang sống trong môi trường số hóa và văn hóa kết nối nhanh.

“Ở góc độ tâm lý, đây là cơ chế phòng vệ. Người ta giữ lại những ‘mối quan hệ dự bị’ như chiếc phao tinh thần để giảm bớt nỗi sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ thất bại trong tình cảm. Nó giống như việc bạn không dám đặt cược hoàn toàn vào một ván bài, vì lo rằng nếu thua, ít nhất vẫn còn phương án dự phòng”, ông Nam Anh lý giải.

Tuy nhiên, đây là một dạng tình cảm không lành mạnh, độc hại, phản ánh sự thiếu trưởng thành trong cách ứng xử với cảm xúc. Khi một người không dám đầu tư trọn vẹn vào mối quan hệ, đồng thời giữ người khác “ở chế độ chờ”, điều đó không chỉ gây tổn thương cho bên bị dự phòng mà còn khiến chính họ rơi vào hoài nghi, mất niềm tin vào giá trị bản thân và dễ rơi vào trạng thái tự ti.

Theo ông, kiểu yêu này thường xuất phát từ tâm lý sợ phải cô đơn, thiếu tin tưởng vào tương lai của một mối quan hệ duy nhất, hoặc đơn giản là ảnh hưởng từ làn sóng yêu đương chóng vánh trong văn hóa hiện đại, nơi mọi thứ đều dễ đến và cũng dễ đi. Với nhiều người trẻ, việc chia tay hay thay đổi cảm xúc diễn ra quá nhanh, dẫn đến tâm lý “cẩn thận vẫn hơn” trong cả chuyện tình cảm.

Tình yêu đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch và đồng thuận từ cả hai phía. Nếu một bên giữ người khác làm ‘lốp dự phòng’, mối quan hệ đó ngay từ đầu đã bất đối xứng về quyền lực, một người chủ động kiểm soát, người còn lại bị động chờ đợi.

Ông cũng cho rằng sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng hẹn hò góp phần khiến tình yêu ngày nay trở nên “tiện lợi hóa”, nhưng cũng dễ bị tiêu dùng và thay thế nhanh chóng.

Tình yêu không phải là một ván cờ để so đo thắng thua, mà là hành trình của hai tâm hồn cùng vun đắp sự chân thành và đồng cảm.

Cuối cùng, ông Nam Anh nhấn mạnh: “Nếu bạn thực sự muốn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài, hãy học cách buông bỏ những phương án ‘dự phòng’ và đối diện thẳng thắn với cảm xúc của chính mình. Tình yêu không phải là một ván cờ để so đo hơn thua, mà là hành trình của hai tâm hồn cùng vun đắp sự chân thành và đồng cảm".

Ảnh: NVCC

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/met-moi-voi-tinh-yeu-lop-du-phong-post1761335.tpo