Miền Trung: Đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa bão

Lãnh đạo các tỉnh ở khu vực miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... đã chỉ đạo địa phương, chủ đầu tư công trình hồ, đập khẩn trương thực hiện giải pháp gia cố, khắc phục hạng mục xuống cấp, sạt lở để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình, toàn tỉnh có 150 đập, hồ chứa thủy lợi các loại, 1 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ nước khoảng 560 triệu m3 phục vụ tưới cho trên 55.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sinh hoạt. Trong đó, có 20 hồ đập, hồ chứa lớn; 130 hồ, đập, hồ chứa vừa và nhỏ. Hiện, nhiều hồ, đập đã có tuổi thọ 30 - 40 năm, được xây dựng trong thời kỳ đất nước khó khăn, quy mô còn hạn chế, công nghệ thi công lạc hậu, chịu tác động của mưa bão, lũ lụt nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhất là các hồ, đập nhỏ do địa phương quản lý.

 Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

Tỉnh Quảng Trị có hơn 130 hồ, đập chứa nước phục vụ tưới cho đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Nhiều hồ chứa của tỉnh đã được xây dựng từ lâu, các tiêu chuẩn thiết kế chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ, xả lũ còn thấp. Hiện, nhiều công trình thủy điện, thủy lợi đã và đang được đầu tư nâng cấp sửa chữa. Một trong những yêu cầu đề ra đối với các công trình dự án này là đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành, nhất là trong mùa mưa bão năm nay. Các giải pháp về an toàn hồ, đập đang được các đơn vị thi công triển khai quyết liệt.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích hồ chứa khoảng hơn 2 tỷ m³, trong đó có 8 hồ chứa loại lớn, còn lại là hồ chứa loại vừa và nhỏ. Để đảm bảo an toàn công trình hồ, đập trong mùa mưa, bão, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các chủ hồ, đập, thủy lợi, chủ đầu tư các dự án, tổ chức vận hành các cửa van, thiết bị xả lũ của các hồ chứa nước; bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của tỉnh cũng tổ chức kiểm tra thực tế các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ chứa Thọ Sơn. Ông Lê Trường Lưu - Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - yêu cầu, các nhà máy thủy điện phải có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với bão lũ trong mọi tình huống. Trong đó, cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, nhất là trong các tình huống thủy điện tiến hành điều tiết nguồn nước cũng như tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa trong mùa mưa, lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đối với các hồ chứa đang triển khai sửa chữa, nâng cấp, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn...

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - cho biết: Việc bảo đảm an toàn hồ, đập chứa thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, đặc biệt ở khu vực hạ du. Vì vậy, yêu cầu Sở NN&PTNT sớm xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ, đập chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh về thông số kỹ thuật, thực trạng… và các yếu tố liên quan, nhằm đảm bảo quản lý, vận hành hợp lý, khoa học.

Đối với việc vận hành các hồ, đập thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh cần phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương xây dựng hướng dẫn quy trình vận hành; công khai quy trình cho chính quyền các địa phương và bà con nhân dân được biết để vừa đảm bảo đời sống dân sinh, vừa tham gia phối hợp quản lý các hồ, đập thủy lợi.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mien-trung-dam-bao-an-toan-ho-dap-mua-mua-bao-164474.html