Miệt mài nghề cào don

Bao mùa con nước lớn, nước ròng trôi qua, người dân vùng hạ lưu sông Trà Khúc vẫn miệt mài mưu sinh, góp nhặt từng con don bé xíu để hình thành nên món ngon nức tiếng vùng đất Ấn- Trà.

Mưu sinh theo con nước

Khi dòng thủy triều rút dần, mực nước chỉ còn nửa thân người cũng là lúc ông Nguyễn Ngọc Thủy (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) xuôi ghe về cuối sông Trà. Hơn 20 năm qua, dù phải thức khuya dậy sớm, người đàn ông này vẫn bám sông mưu sinh theo con nước ròng.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy đi giật lùi để cào don.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy đi giật lùi để cào don.

Chọn được vị trí thích hợp, ông Thủy mang đồ nghề xuống nước, chuẩn bị cho buổi làm việc kéo dài nhiều giờ liền. Cái cào don ông đang dùng nặng hơn 10kg, gồm một cán tre dài 2,5m và thùng cào dài một mét. Cào được gắn với dây đeo vào ngang hông, ông Thủy một tay cầm cán tre, tay còn lại tì lên thắt lưng lấy thế đi giật lùi.

Dụng cụ cào don.

Dụng cụ cào don.

“Nghề này đi theo con nước. Khi thủy triều cạn, vùng nào có don thì những người cào don dừng ghe, thả cào để hành nghề. Thường mực nước ở ngang ngực, đến khi con nước cạn ròng thì thu cào về nghỉ”, ông Thủy chia sẻ.

Cào don rất vất vả nên chỉ thường chỉ cánh đàn ông mới đủ sức theo. So với các nghề sông nước khác, nghề này tuy thu nhập cao hơn nhưng gặp không ít rủi ro. Nhiều người khi đang cào don giẫm phải mảnh chai vỡ, có khi bị chuột rút chân, sụp xuống vùng nước xoáy...

Thường xuyên dầm người dưới nước, tay chân của những “thợ săn” don như ông Thủy có màu xanh tái, chi chít sẹo dọc ngang lớn nhỏ, kỷ niệm của những lần đụng phải mảnh chai vỡ. Đổi lại những vất vả đó là rổ don đầy, nguồn thu chính của gia đình ông.

Rổ don đầy tương đương với trọng lượng khoảng 5kg.

Rổ don đầy tương đương với trọng lượng khoảng 5kg.

“Don mà đầy rổ con con này là chừng 5kg. Con don nhiều nơi có, nhưng don ở vùng nước lợ nơi sông Trà Khúc chuẩn bị đổ ra biển là ngon nhất”, ông Thủy tự hào.

Nghề đặc trưng

Mùa này, mưa đã bắt đầu nhiều hơn. Nước từ đầu nguồn đổ về làm cho nước sông Trà Khúc dâng lên, lòng sông ở vùng hạ lưu vì thế cũng rộng hơn ngày hè. Những chiếc ghe của người cào don neo đậu giữa dòng sông, cạnh cầu Cổ Lũy, dập dềnh theo nhịp sóng.

Người dân ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) lại quần tụ về vùng nước lợ để mưu sinh. Giữa dòng sông mênh mông, nước đục ngầu do trận mưa đêm qua là hình ảnh những “thợ săn” đang hì hục cào don.

So với con hến, don có kích thước nhỏ, màu vỏ cũng sáng hơn; nước hến có hậu chan chát, còn nước don cũng ngọt và thơm hơn; thịt don chắc, đậm vị hơn hến. Don sống ở vùng nước lợ và vùi trong tầng cát đáy sông. Mỗi lượt cào, bùn, cát từ lòng sông được xới lên, giống như một vệt màu dài trên bức tranh, tạo ra cảnh tượng thú vị và đặc trưng miền sông nước xứ Quảng.

Clip cào don trên sông Trà Khúc.

Dụng cụ của một “thợ săn” don gồm cái cào, chiếc rổ, ghe máy và bao tải nhỏ. Họ thức dậy trước 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước mang theo ra sông khi bình minh ló dạng và trở về nhà lúc chiều tà.

Theo các “thợ săn” nhiều kinh nghiệm, để bắt được con don không hề đơn giản. Để học được nghề cào don, người nhanh mất từ 5 ngày đến một tuần, người chậm có khi đến 2 tháng. Cũng có người bỏ nghề vì cào don đòi hỏi tính cần cù, kiên nhẫn. Những lúc “ươn” người, họ thường nghỉ ngơi, không dám ra sông cào don vì dầm lâu dưới nước, dễ sinh bệnh và xảy ra sự cố nguy hiểm.

Ông Dương Năm Bời có hàng chục năm gắn bó với nghề cào don.

Ông Dương Năm Bời có hàng chục năm gắn bó với nghề cào don.

“Mình đi miết dưới nước, thấy vậy chứ nặng lắm, như con trâu mang cái ách vậy. Thu nhập thì vô chừng, có khi một, hai trăm nghìn, có ngày khá hơn thì bốn, năm trăm nghìn”, ông Dương Năm Bời (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) chia sẻ.

Chẳng biết hình thành bao giờ, nghề cào don cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nghề "độc quyền" của người dân Quảng Ngãi. Hết lớp đến lớp, dòng sông Trà như "bầu sữa mẹ nuôi" sống biết bao thế hệ cư dân hạ lưu sông Trà mưu sinh bằng nghề sông nước.

Xã Nghĩa Phú, nơi giáp biển, giáp sông, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề sông nước. Riêng thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ có khoảng 100 hộ dân sống bằng nghề cào don.

Tại Quảng Ngãi, cùng với cá bống sông Trà, kẹo gương và quế Trà Bồng, món don là đặc sản được xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Ở vùng cuối sông Trà Khúc, xóm nào cũng có người cũng sống bằng nghề cào don. Những năm trước, bình quân mỗi ngày một người cào được từ 10 - 15kg don, bán được từ 300 - 400 nghìn đồng. Khi ấy, người dân vừa đánh bắt xong là những thương lái đã chực chờ sẵn để cân cho các hàng quán bán don và chuyển đi các nơi. Những năm gần đây, lượng don đã suy giảm ít nhiều.

Từ con don, người dân Quảng Ngãi tạo ra món don.

Từ con don, người dân Quảng Ngãi tạo ra món don.

Bao đời qua, hình ảnh người dân lom khom cào don, mưu sinh cùng chiếc ghe nhỏ trên những bãi bồi, cồn cát để lại nhiều ký ức khó quên với những ai đã từng bắt gặp. Từ con don be bé, người Quảng Ngãi làm nên món don nức tiếng gần xa, in mãi trong tâm trí những người con xa quê và làm say lòng bao thực khách.

Món don là một trong những món ăn rất độc đáo của người Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ tiền nhưng rất hấp dẫn. Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Ngày nay, don Quảng Ngãi không những tiêu thụ nội tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/miet-mai-nghe-cao-don.html