Mỏ đất hiếm mới phát hiện được kỳ vọng giúp EU giảm phụ thuộc Trung Quốc

Việc phát hiện ra mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu tại vùng cực bắc của Thụy Điển gần đây đang khiến châu lục này thắp lên hy vọng cắt giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc nước đang có vị thế thống trị trong ngành này.

Liên minh châu Âu dựa gần như toàn bộ vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, gây ra nhiều lo ngại cho khối này trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới. Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu dựa gần như toàn bộ vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, gây ra nhiều lo ngại cho khối này trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới. Ảnh: Reuters

Về mặt định nghĩa, đất hiếm là khoáng chất “thiết yếu” để sản xuất các sản phẩm như ô tô điện và turbine gió – các công cụ giúp thế giới chuyển đổi xanh. Năm 2040, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán rằng thế giới sẽ cần lượng khoáng sản đầu vào nhiều hơn 6 lần so với mức hiện tại một khi các quốc gia bắt đầu chạy đua để đạt được mục tiêu không phát thải ròng năm 2050.

Ngoài các ứng dụng trong phát triển năng lượng sạch, đất hiếm còn chứa các nguyên tố quan trọng được sử dụng trong thiết bị quốc phòng. Theo Tạp chí Lực lượng Hàng không & Không gian Mỹ, các nguyên tố đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong nam châm để dẫn đường cho tên lửa, động cơ ổ đĩa được lắp đặt trong máy bay và xe tăng, thông tin liên lạc vệ tinh và hệ thống radar cùng các thiết bị khác.

Trong khi đó theo SCMP trích dẫn ông Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, Trung Quốc chiếm 60% lượng đất hiếm được khai thác trên thế giới và thống trị thị trường trong khâu chế biến. Ví dụ, 90% công suất chế biến cobalt, lithium và nickel trên thế giới thuộc về quốc gia này.

Liên minh Châu Âu – một trong những khu vực sản xuất công nghiệp phát triển nhất thế giới – lại phụ thuộc 98% vào nguồn cung của Trung Quốc do khu vực này không khai thác bất kỳ nguyên tố đất hiếm nào.

Do đó trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang tương đối phức tạp cùng các căng thẳng địa chính trị khác, châu lục này đang có xu hướng chú trọng cắt giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh. Sự xuất hiện của mỏ đất hiếm với trữ lượng dự tính hơn 1 triệu tấn tại Kiruna, Thụy Điển đã giúp cho châu Âu đạt được một lợi thế trong tình trạng hiện tại.

Bà Francoise Nicolas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định việc phát hiện ra một trữ lượng đất hiếm khổng lồ tại châu Âu “có thể trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Theo bà, mỏ đất hiếm xuất hiện giúp giảm tình trạng phụ thuộc quá mức và loại trừ nguồn gốc của các rủi ro.

Cùng nhận định với bà Nicholas, bà Garcia-Herrero cũng cho biết châu Âu đạt được sự đa dạng hóa chứ không phải tách rời với Trung Quốc thông qua việc cải tổ lại các bộ phận trong chuỗi giá trị của mình.

Các ý kiến này đi đôi với quan điểm của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, ví dụ như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1/2023, bà đã kêu gọi tạo sân chơi bình đẳng bằng cách “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, quá trình từ việc phát hiện ra mỏ đất hiếm cho tới khi tác dụng của mỏ này được khai thác hoàn toàn vẫn còn rất xa. Theo ông Patrik Andersson, nhà phân tích tại Swedish National China Center, việc khai thác khoáng sản đất hiếm chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi cung ứng.

Các khoáng chất được khai thác tại mỏ đều cần phải trải qua quá trình xử lý thành các vật liệu và sản phẩm tiên tiến, chất lượng cao mà ngành sản xuất châu Âu yêu cầu. Đối với Thụy Điển và các nước châu Âu khác, thách thức lớn nhất nằm ở quá trình xử lý và sản xuất hàng hóa có chứa các nguyên tố đất hiếm.

Thêm vào đó, phải mất ít nhất 10 tới 15 năm nữa trước khi đất hiếm được khai thác tại Thụy Điển xuất hiện trên thị trường. Theo bà Nicholas, việc thăm dò địa điểm sẽ không bắt đầu trong nhiều năm tới ngay cả khi giấy phép được cấp một cách nhanh chóng. Ngoài ra, toàn bộ dự án có khả năng phải đối mặt với sự phản đối do tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mo-dat-hiem-moi-phat-hien-duoc-ky-vong-giup-eu-giam-phu-thuoc-trung-quoc-post17035.html