Mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên cần được nhân rộng

'Vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất; vừa bảo vệ môi trường sinh thái; vừa tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, đồng thời mang lại lợi nhuận cao hơn…', đó là đánh giá của tất cả nông dân về những lợi ích mà mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong.

 Mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên tại xã Triệu Trạch, Triệu Phong - Ảnh: T.Q

Mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên tại xã Triệu Trạch, Triệu Phong - Ảnh: T.Q

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm diện tích hơn 4 sào sản xuất lúa canh tác tự nhiên (CTTN) đang chín vàng của mình, ông Lê Công Giáo ở thôn Linh An chia sẻ, ban đầu khi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật, ông và hầu hết các hộ tham gia thực hiện mô hình đều có đôi chút băn khoăn. Nguyên do là quy trình kỹ thuật của mô hình này khá mới.

Đơn cử như hoàn toàn không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… mà chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai với các loại chế phẩm do mình tạo ra, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại gừng, tỏi, ớt. Lại khá tốn công chăm sóc vì chỉ tính riêng việc phun chế phẩm đã mất 7 - 8 lần/vụ. Trong khi với sản xuất thông thường chỉ cần từ 3 - 4 lần/vụ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, ông thấy đây là mô hình hết sức an toàn, thân thiện với môi trường. Cây lúa sinh trưởng tốt, trổ khỏe, bộ lá có màu xanh lá chuối non. Năng suất thu hoạch cũng tương đương với sản xuất thông thường, dự kiến đạt từ 54 - 55 tạ/ha.

“Ưu điểm của mô hình này là do chỉ sử dụng các loại chế phẩm do mình làm ra nên an toàn tuyệt đối. Khi phun chế phẩm không cần phải bảo hộ kỹ càng như khi phun thuốc BVTV. Đặc biệt, mặc dù chưa thu hoạch nhưng toàn bộ lúa đã được Hợp tác xã Nông sản sạch (HTX NSS) Triệu Phong ký hợp đồng thu mua với giá 9.500 đồng/kg. Với 4 sào sản xuất lúa CTTN, dự kiến tôi lãi trên 6 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn 30 - 40% so với sản xuất thông thường”, ông Giáo vui vẻ nói.

Mô hình sản xuất lúa CTTN được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại 2 thôn Vân Tường và Linh An, xã Triệu Trạch với tổng diện tích 10 ha, sử dụng giống lúa HN6. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống và các vật tư thiết yếu như đường, tỏi, ớt, gừng, giấm gạo… để làm các chế phẩm phun cho lúa.

Kỹ sư Hoàng Thị Thùy Trang, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong thông tin, đây là mô hình dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra chất lượng vượt trội. Cốt lõi của phương pháp CTTN là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Theo đó, mô hình chỉ sử dụng phân hữu cơ compost để bón lót; phun các chế phẩm dinh dưỡng được ủ từ trái cây lên men, ruột cá, ốc bươu vàng, xương động vật, vỏ trứng… với các loại vi sinh vật bản địa; phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc thảo mộc được ủ từ gừng, tỏi, ớt…

Theo chị Trang, do đây là mô hình mới nên trước khi triển khai, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ càng theo phương pháp “bắt tay chỉ việc”. Chuẩn bị đầy đủ vật liệu làm chế phẩm, lên kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng nhóm hộ. Việc phun các loại chế phẩm được thực hiện tập trung, đúng thời kỳ và yêu cầu các hộ tham gia mô hình phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

Nhờ vậy, mặc dù vụ hè thu năm nay thời tiết không thuận lợi, nắng nóng gay gắt kéo dài, gió Tây Nam thổi mạnh nhưng ruộng lúa của mô hình vẫn phát triển tốt, trổ đều, tập trung. Năng suất thu hoạch dự kiến đạt 53 - 54 tạ/ha, tương đương với sản xuất thông thường nhưng do sản phẩm sạch, an toàn nên giá bán cao hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình sản xuất lúa CTTN cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường lên đến 10 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Trần Đông đánh giá rất cao hiệu quả mang lại của mô hình sản xuất lúa CTTN do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Mặc dù đây là lần đầu tiên người dân thôn Linh An và Vân Tường thực hiện mô hình này nhưng đã mang lại những kết quả vượt trội. Không chỉ cho năng suất tương đương mà còn rất an toàn cho nông dân trực tiếp sản xuất và môi trường sinh thái.

Ông Đông dẫn chứng, vụ hè thu năm nay trên đồng ruộng của xã xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh hại như sâu cuốn lá, khô vằn, sâu đục thân, rầy nâu… nhưng tại các diện tích ruộng CTTN nhờ sử dụng thuốc thảo mộc định kỳ nên cây lúa vẫn khỏe mạnh, có sức chống chịu cao, các đối tượng sâu bệnh luôn ở mức kiểm soát được. Trong khi đối với các diện tích trồng đại trà của xã bị nhiễm nặng khô vằn và rầy cuối vụ, phải phun trừ bằng thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, lúa của mô hình đã được HTX NSS Triệu Phong bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn so với thông thường 30 - 40% nên nông dân rất phấn khởi. “Trong những vụ tới, địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ để động viên nông dân mở rộng diện tích sản xuất theo phương thức này. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường, mở rộng kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân khi sản lượng tăng lên với giá hợp lý và ổn định”, ông Đông cho hay.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn, ưu điểm của mô hình sản xuất lúa CTTN là hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học mà chỉ sử dụng các loại chế phẩm và thuốc thảo mộc nên không chỉ an toàn cho nông dân trực tiếp sản xuất mà còn an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, hết sức thân thiện với môi trường. Quá trình sản xuất chỉ sử dụng lượng phân hữu cơ bón lót, giúp cây lúa hấp thu, phát triển tốt; sử dụng thảo mộc theo định kỳ để phòng trừ sâu bệnh hại nên cây lúa khỏe mạnh. Chất lượng gạo đậm đà, đảm bảo an toàn thực phẩm nên đầu ra có giá cao hơn và được người tiêu dùng đón nhận. Bên cạnh đó, nếu sản xuất theo phương thức này qua nhiều vụ canh tác thì chất đất sẽ được bồi đắp, màu mỡ hơn, về lâu dài năng suất sẽ được tăng lên qua các vụ. Chất đất được cải tạo, đất đai màu mỡ, lượng phân bón cho các vụ tiếp theo giảm lại, khi đó lợi nhuận sẽ cao hơn.

“Thông qua mô hình không những đã giúp nông dân tiếp cận với phương thực sản xuất mới, an toàn mà còn nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra những địa phương khác nhằm phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa canh tác hữu cơ. Qua đó, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững”, ông Cẩn khẳng định.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160441&title=mo-hinh-san-xuat-lua-canh-tac-tu-nhien-can-duoc-nhan-rong