Mô hình tăng trưởng nào phù hợp với Việt Nam?

Các chuyên gia tại diễn đàn 'Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045' cho rằng, Việt Nam cần mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với điều kiện phát triển, có khả năng thích ứng linh hoạt với những biến động của môi trường quốc tế.

Diễn đàn ''Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045'' do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới tổ chức ngày 15/7

Diễn đàn ''Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045'' do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới tổ chức ngày 15/7

Không thể phủ nhận, gần 40 năm qua, mô hình tăng trưởng cũ đã góp phần tạo nên thành tựu phát triển nổi bật, đưa Việt Nam thoát nghèo, duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, các động lực cũ, như: lao động giá rẻ, vốn đầu tư lớn và hội nhập sâu đang dần suy yếu. Tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, năng suất lao động tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực; cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn hạn chế, sự phụ thuộc vào yếu tố vốn và lao động giá rẻ vẫn còn nặng nề, khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…

Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào vốn, năng suất, lao động giá rẻ sang dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh, mô hình mới phải là cấu trúc phức hợp, tích hợp đồng thời chuyển đổi số - chuyển đổi xanh - đổi mới sáng tạo và liên kết vùng.

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, điều kiện tiên quyết để mô hình tăng trưởng mới đi vào thực chất là đột phá thể chế. Theo đó, cần thiết lập một sân chơi công bằng, giảm thiểu tình trạng bị chi phối bởi nhóm lợi ích, bất cân xứng thông tin và rào cản cạnh tranh. Khi môi trường thị trường lành mạnh, DN mới có thể đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) Trần Thọ Đạt cho rằng, chuyển đổi số phải trở thành cấu phần trung tâm của mô hình tăng trưởng mới, không chỉ là công cụ hỗ trợ. Dữ liệu - tri thức - hạ tầng số cần được nhìn nhận là tài sản chiến lược. Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý cho thị trường dữ liệu, tạo lập môi trường cạnh tranh số minh bạch, tăng đầu tư cho hạ tầng số và giáo dục số.

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm Đài Loan (Trung Quốc) - một nền kinh tế có sức chống chịu cao nhờ kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo. Thành công của Đài Loan (Trung Quốc) đến từ thể chế minh bạch, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo linh hoạt và Nhà nước kiến tạo thực chất.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình tăng trưởng mới không chỉ là định hướng dài hạn, mà phải được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình hành động rõ ràng và có tính khả thi cao. Trọng tâm của mô hình phải là năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam không thể “nhảy vọt” bằng ý chí hay chính sách đơn lẻ.

Kinh nghiệm quốc tế như bài học Hàn Quốc hay thất bại của Brazil cho thấy, cần một chiến lược tuần tự nhưng có thể rút ngắn thời gian bằng cách chọn đúng lĩnh vực đột phá, đi tắt đón đầu có chọn lọc. Ba nhóm ngành có thể là đầu tàu trong mô hình tăng trưởng mới bao gồm: công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; năng lượng xanh và chuyển đổi xanh; công nghiệp chế biến, chế tạo cao cấp. Ngoài ra, vai trò của các trung tâm đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm cần được tái định vị như những cực tăng trưởng mới, nơi hội tụ hạ tầng, nhân lực, đổi mới sáng tạo và kết nối quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược T.Ư cho biết, Việt Nam đã xác định yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cách mạng công nghiệp 4.0 tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-hinh-tang-truong-nao-phu-hop-voi-viet-nam-424993.html