Mở lối phát triển bền vững, kết nối vùng và biển từ phía tây Lâm Đồng
Sau sáp nhập, Lâm Đồng mở rộng không gian phát triển hình thành hành lang kinh tế mới. Phía tây Lâm Đồng đang được xem là vùng chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối vùng, phát triển kinh tế tổng thể và mở rộng không gian phát triển cho toàn tỉnh.
Vùng lõi cao nguyên nhiều tiềm năng
Phía tây Lâm Đồng, trước đây là vùng Đắk Nông, hiện có diện tích hơn 6.500 km² và dân số khoảng 730.000 người. Khu vực này nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tài nguyên khoáng sản phong phú và nền nông nghiệp quy mô lớn.
Khu vực phía tây Lâm Đồng nằm trên cao nguyên M’nông, có độ cao trung bình khoảng 600–700 m và điểm cao nhất là Tà Đùng với gần 2.000 m. Đây là vùng có hệ thống sông suối, hồ chứa và đập nước phân bố khá đồng đều, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển thủy điện cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững.

Hồ Tà Đùng - điểm đến độc đáo khu vực phía tây Lâm Đồng.
Sở hữu diện tích tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó hơn 380.000 ha là đất nông nghiệp, phía tây Lâm Đồng có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn nhờ địa hình tương đối bằng phẳng và đất đỏ bazan màu mỡ. Khu vực này đã hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn, phục vụ xuất khẩu và phát triển bền vững, với 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động.
Về công nghiệp, phía tây hiện là vùng trọng điểm bô xít của cả nước, với trữ lượng lên đến 4,3 tỷ tấn. Khu vực Nhân Cơ đã trở thành trung tâm khai thác và chế biến alumin, góp phần quan trọng vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhôm Việt Nam. Ngoài ra, các mỏ đá bazan, đất sét, đá xây dựng... cũng tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến sâu, thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng phát triển.
Khu vực phía tây Lâm Đồng nổi bật với nhiều điểm đến độc đáo như hồ Tà Đùng, hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch xanh — mô hình đang được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Bên cạnh đó, phía tây còn có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Nguồn năng lượng này có thể hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp alumin và cụm sản xuất nhôm xanh, hướng tới hình thành mô hình công nghiệp bền vững, giảm phát thải.
Kết nối không gian phát triển mới
Trong không gian tỉnh Lâm Đồng mở rộng, khu vực phía tây giữ vai trò kết nối trung gian giữa cao nguyên, vùng duyên hải và các cửa khẩu biên giới Campuchia. Nhờ đó, tỉnh đã hình thành được hành lang kinh tế "biên giới – cao nguyên – biển", tạo điều kiện phát triển chuỗi giá trị khép kín, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Về du lịch, nhờ lợi thế địa hình và tài nguyên thiên nhiên, Lâm Đồng có thể phát triển sản phẩm kết hợp "rừng – núi lửa – biển", đưa du khách khám phá cảnh quan địa chất ở phía tây, tham quan Đà Lạt, rồi tiếp tục trải nghiệm biển Phan Thiết.
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới trong giai đoạn 2026 – 2030 cũng như những nghiên cứu về định hướng phát triển trung tâm kinh tế biển Bình Thuận sau sáp nhập, GS.TS. Mai Trọng Nhuận nhận định Lâm Đồng mở rộng sở hữu nhiều tiềm năng bổ trợ lẫn nhau, từ biển, cao nguyên nông nghiệp, du lịch cho đến khoáng sản. Đây được xem là nền tảng quan trọng để hình thành một không gian kinh tế nội địa quy mô lớn.
Đặc biệt, khu vực phía tây được ông đánh giá là vùng lõi trung tâm, giữ vai trò cầu nối giữa cao nguyên và biên giới, giúp tăng chiều sâu chiến lược cho toàn vùng phát triển mới. GS.TS. Nhuận cũng nhấn mạnh, phía tây Lâm Đồng có thể trở thành đầu mối nội địa quan trọng, kết nối chuỗi logistics nông sản, khoáng sản và du lịch, tạo động lực liên kết ra biển cũng như xuyên biên giới.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ nhận định từ góc độ phát triển bền vững và kinh tế xanh, nơi đây có thể trở thành trung tâm công nghiệp alumin và năng lượng xanh, từng bước hình thành chuỗi sản xuất hydrogen xanh và năng lượng tái tạo liên kết từ Nhân Cơ đến Bắc Bình – Tuy Phong.

Tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp alumin (khai thác boxit) rất lớn tại Lâm Đồng. Ảnh minh họa.
Về nông nghiệp, TS Phạm Hồng Hiển thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá vùng phía tây đủ điều kiện phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp hệ thống tưới tiên tiến, nhà kính và chuỗi logistics nội vùng. Đây được coi là nền tảng để tăng giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
TS Nguyễn Thị Thu Phương Viện trưởng VICAS nhận định, phía tây còn là vùng lõi văn hóa đặc sắc, kết hợp giữa thiên nhiên, núi lửa, rừng nguyên sinh và văn hóa bản địa, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái nổi bật trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Với những tiềm năng và lợi thế hiện hữu, khu vực phía tây đang dần trở thành "mắt xích" chiến lược trong không gian phát triển mới của Lâm Đồng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần sớm có chính sách đột phá về hạ tầng, logistics, vốn và nguồn nhân lực, đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với bản sắc địa phương.
Nếu phát huy tốt các lợi thế, phía tây sẽ không chỉ là điểm tựa nội vùng mà còn trở thành động lực phát triển xanh, bền vững và toàn diện cho toàn tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.