Mở rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, trong 5 năm qua, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng được gần 800 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng Thủ đô có nguồn hàng chất lượng, ổn định, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các địa phương.

Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, trong 5 năm qua, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng được gần 800 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng Thủ đô có nguồn hàng chất lượng, ổn định, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các địa phương.

Là một doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nấm ăn cao cấp, nấm dược liệu, có nhiều năm hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Long Hải gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm sút khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Nhiều sản phẩm chất lượng, nhất là những sản phẩm nấm tươi, có thời gian sử dụng ngắn ngày khó tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ có chuỗi cung ứng cho thị trường Hà Nội thông qua các cửa hàng, siêu thị lớn sản phẩm của công ty được tiêu thụ ổn định. Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải Dương Thế Mạnh cho biết, từ khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn cho Thủ đô, công ty được nhiều đơn vị, nhất là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản TP Hà Nội giới thiệu tiếp cận khách hàng, hướng dẫn tham gia hệ thống truy xuất chất lượng sản phẩm điện tử. Toàn bộ quá trình nuôi trồng, chế biến nông sản đều được cập nhật thông tin đầy đủ, minh bạch vào hệ thống, giúp người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm. Nhờ đó, đến nay mỗi năm đơn vị cung cấp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn Thủ đô khoảng 350 tấn nấm ăn cao cấp.

Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, là địa phương đi đầu thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh có 435 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ðể quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ các địa phương dán tem điện tử, cấp mã số, mã vạch và phát triển các trung tâm, điểm bán hàng. Ðến nay, Quảng Ninh có gần 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử cấp mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc; phát triển 32 điểm bán hàng, trung tâm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tham gia chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông sản an toàn cho TP Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh đã kết nối cho 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, với 90 điểm bán hàng để tiêu thụ các nông sản tại Thủ đô. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng như chả mực, dầu thực vật, nấm ăn, nấm dược liệu… Sản lượng hàng hóa tiêu thụ hằng năm luôn tăng trưởng đều đặn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm đưa các nông sản an toàn, chất lượng phục vụ thị trường Thủ đô, từ năm 2015 đơn vị đã phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm. Nội dung chương trình tập trung xây dựng các tiêu chí quy định chất lượng sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP); kiểm tra, kiểm soát, phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giám sát, truy xuất và cảnh báo, xử lý các trường hợp vi phạm… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp các địa phương lấy 18.500 mẫu thực phẩm; kiểm tra tại gần 10 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Nhờ đó, các sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội ngày càng chất lượng, bảo đảm ATTP. Ðến nay, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố và xây dựng được 786 chuỗi rau, thịt an toàn, với 670 điểm bán sản phẩm. Một số địa phương có số chuỗi phát triển tăng nhanh như Sơn La có 144 chuỗi, Hà Nam 21 chuỗi. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn từ các tỉnh, thành phố cho Thủ đô không chỉ trong điều kiện bình thường, mà còn chủ động cả khi xảy ra dịch Covid-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội còn không ít hạn chế. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, tỷ trọng sản lượng nông, lâm, thủy sản được kiểm soát theo chuỗi trong số sản phẩm đưa về tiêu thụ tại Hà Nội còn thấp. Kết quả phát triển các chuỗi và số lượng sản phẩm rau, thịt được tiêu thụ trên địa bàn thành phố chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ… Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp; sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn giai đoạn 2015 - 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai các quy hoạch sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết; đồng thời kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, các loại cây, con giống cũng như quy trình canh tác, cơ sở phân phối và tổ chức có hệ thống chặt chẽ; rà soát các trung tâm, phòng xét nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản để bảo đảm chất lượng. Ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung đầu tư vào chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người dân.

Minh Vân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/mo-rong-cac-chuoi-cung-cap-thuc-pham-an-toan-624287/