Mở rộng diện tích rừng gỗ lớn

Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của các tổ chức, cá nhân làm rừng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt được mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái...

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 ha rừng gỗ lớn. Riêng trong 2 năm 2018 và 2019, các địa phương trong tỉnh đã trồng và chuyển hóa trên 4.200 ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Dự kiến trong năm 2020 này có khoảng 2.000 ha rừng gỗ lớn được trồng. Diện tích rừng trồng hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại đa lợi ích: Tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc; tăng hiệu quả kinh tế, hiện tại giá trị rừng gỗ lớn gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Hơn nữa rừng gỗ lớn đã hạn chế thấp nhất suy thoái đất rừng.

Diện tích rừng mỡ trồng theo mô hình rừng gỗ lớn của đội sản xuất 974, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn.

Diện tích rừng mỡ trồng theo mô hình rừng gỗ lớn của đội sản xuất 974, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn.

Đội sản xuất 974 của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn đang quản lý hơn 6 ha rừng bồ đề 8 -10 năm tuổi. Ông Phạm Văn Quân, Đội trưởng đội sản xuất phấn khởi cho biết, còn 2 năm nữa mới đến tuổi khai thác, song thương lái đã đến đặt hàng với giá 200 - 220 triệu đồng/ha tùy vào từng lô, tăng gấp hơn 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ ở chu kỳ 6 năm. Không những giá trị kinh tế gia tăng, hàng năm công nhân của đội sản xuất vẫn bảo đảm thu nhập từ chính diện tích rừng bằng việc trồng dứa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật. Theo tính toán của ông Quân, trồng rừng gỗ nhỏ 6 năm khai thác phải tái đầu tư trồng lại, trong khi rừng gỗ lớn 12 năm mới khai thác và trồng lại nên tiết kiệm thêm 1 lần đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc.

Theo anh Trần Mạnh Huấn, Trưởng phòng Kế hoạch và Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn, lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn là tương đối lớn, do đó công ty đang tập trung trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ lên rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, công ty đã có gần 60 ha rừng gỗ lớn, tuổi cây từ 8 - 10 năm.

Tại các Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương, Chiêm Hóa diện tích rừng gỗ lớn cũng dần được mở rộng. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, hiện tại công ty đã có 20 ha rừng gỗ lớn thuộc các đội sản xuất tại các xã Đại Phú, Đồng Quý. Công ty đặt mục tiêu trong năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ mở rộng được ít nhất từ 30 - 50 ha rừng gỗ lớn trên địa bàn các xã Đông Thọ, Phúc Ứng, Thượng Ấm…

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, trồng, chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh tế lâm nghiệp của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng gỗ lớn của tỉnh hiện nay vẫn thấp chiếm 20% tổng diện tích rừng sản xuất hiện có. Nguyên nhân là do nhiều người cho rằng, trồng rừng gỗ lớn có nhiều rủi ro về vấn đề thiên tai, gẫy đổ, dịch bệnh. Khuyến khích mở rộng diện tích rừng gỗ lớn, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng tốt hơn nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai Dự án trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng giống cây keo lai mô trên địa bàn các xã Trung Trực, Xuân Vân (Yên Sơn); giám sát, theo dõi, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm rừng biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại bảo đảm cho rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn sinh trưởng, phát triển tốt.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/mo-rong-dien-tich-rung-go-lon-128854.html