Mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á

Ngày 10-11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì Lễ ký Văn kiện mở rộng để Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Lễ ký được thực hiện bằng hình thức trực tuyến có sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện Bộ Ngoại giao các nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, các Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, Nam Phi và Cuba.

Phát biểu tại lễ ký, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh việc Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia TAC, qua đó khẳng định cam kết mạnh mẽ với mục tiêu, nguyên tắc của Hiệp ước cũng như mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Việc Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia TAC dịp này đã nâng tổng số nước và tổ chức tham gia TAC đến nay lên con số 43.

 Lễ ký Văn kiện mở rộng để Nam Phi tham gia TAC.

Lễ ký Văn kiện mở rộng để Nam Phi tham gia TAC.

TAC được ký tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 1 ở Indonesia vào năm 1976. Mục đích của TAC là nhằm thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần vào sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn của các bên. Các nguyên tắc cơ bản của TAC là cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; quyền của mọi quốc gia được tồn tại mà không có sự can thiệp, lật đổ hoặc áp bức của bên ngoài; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.

* Trước đó cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSCC) lần thứ 22 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị APSCC lần thứ 22, các nước hài lòng ghi nhận công tác triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả, bất chấp những khó khăn, ảnh hưởng bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó 96% dòng hành động đã được đưa vào triển khai. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các thách thức an ninh đang nổi lên, trong đó có an ninh mạng, an ninh biển, an ninh y tế…, theo đó nhất trí các cơ quan chuyên ngành, gồm cả kênh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và tư pháp cần tăng cường phối hợp để xử lý. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 / 8-8-2020), đề ra các nguyên tắc định hướng cho hành động và ứng xử của ASEAN ở khu vực và toàn cầu. Nhân dịp này, hội nghị đã thông qua Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể APSC 2025, trong đó đề ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Kế hoạch trong thời gian tới.

 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị APSCC lần thứ 22.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị APSCC lần thứ 22.

* Tại Hội nghị ACC lần thứ 28, các nước đã trao đổi về những sáng kiến trong hợp tác ứng phó chung của ASEAN đối với đại dịch Covid-19. Các đại biểu đã nhất trí thông qua và trình lên HNCC ASEAN lần thứ 37 tài liệu Điều khoản tham chiếu của Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi Tổng thể ASEAN.

 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị ACC lần thứ 28.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị ACC lần thứ 28.

Các đại biểu cũng kiến nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố về thiết lập khuôn khổ Hành lang đi lại ASEAN cũng như công bố thành lập Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi tại HNCC ASEAN lần thứ 37. Bên cạnh đó, các nước cũng nhất trí ASEAN cần có những bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công; gắn nội dung này với phát triển chung của ASEAN, nhất là với những kế hoạch hành động như tăng cường Kết nối ASEAN (MPAC), sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)… Hội nghị đã nhất trí thông qua 11 báo cáo, gồm báo cáo của ACC, báo cáo của Tổng thư ký ASEAN cũng như các trụ cột Cộng đồng và sẽ trình lên các nhà Lãnh đạo tại HNCC ASEAN lần thứ 37 ghi nhận, cho ý kiến chỉ đạo.

Tin, ảnh: HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/mo-rong-hiep-uoc-than-thien-va-hop-tac-o-dong-nam-a-643445