'Mổ xẻ' cách tiếp cận mới của Tổng thống Trump với xung đột Nga-Ukraine: Thay đổi hay không thay đổi, '50 ngày' là con số biết nói
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố các biện pháp mới đối với xung đột Nga-Ukraine nhằm tạo sức ép lớn hơn đối với Moscow trong tiến trình đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động thái của ông Trump chưa thực sự đủ sức nặng để tạo cú huých.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (bên trái) trao đổi về tình hình xung đột Nga-Ukraine tại Nhà Trắng ngày 14/7. (Nguồn: the New York Times)
Không hẳn là "cú quay xe"
Trong một bài phân tích gần đây trên tờ The Conversation, Giáo sư David Hastings Dunn tại Khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu quốc tế, Đại học Birmingham (Anh) đã phân tích về động thái chính sách mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với xung đột Nga-Ukraine.
Theo Giáo sư David Hastings Dunn, tuyên bố mới đây của Tổng thống Trump về kế hoạch liên quan tới Nga và Ukraine dường như báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với xung đột Nga-Ukraine.
Phát biểu từ Phòng Bầu dục vào ngày 14/7, sau cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump cho biết sẽ gửi “các loại vũ khí tối tân nhất” để hỗ trợ Kiev – và nếu trong vòng 50 ngày không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ quốc gia nào giao thương với Nga.
Giáo sư David Hastings Dunn cho rằng mặc dù đây là một bước ngoặt so với cách tiếp cận trước đó của ông Trump, song có phần giống với đường lối chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden hơn là một cú “quay xe” như một số nhà bình luận nhận định.
Trong nhiều tháng qua, Nga đã gia tăng các đợt oanh kích nhằm vào Ukraine. Lý do mà Nga có thể táo bạo hơn trên thực địa một phần là vì Quốc hội Mỹ cũng như Nhà Trắng đều chưa phê chuẩn thêm gói viện trợ quân sự mới nào cho Kiev.
Giáo sư David Hastings Dunn nhận định Điện Kremlin chắc chắn đã nắm được điểm yếu này. Các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga chủ yếu nhằm tiêu hao kho tên lửa phòng không do chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden viện trợ. Đồng thời, Moscow vẫn tuyên bố ủng hộ đàm phán hòa bình.
Giờ đây, ông Trump dường như đã nhận ra điều đó, thôi thúc ông đưa ra tuyên bố này. Theo lời ông Trump, "đến một lúc nào đó, không thể chỉ nói mà không hành động”.
Quyết định gửi thêm vũ khí phòng thủ và có thể cả vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine (dù cho các nước châu Âu có chi trả) là tín hiệu quan trọng gửi đến Nga. Một thông điệp cũng không kém phần quan trọng là lời đe dọa áp thuế 100% đối với các quốc gia (ám chỉ đến Ấn Độ và Trung Quốc) đang duy trì thương mại tích cực với Nga.
Thượng viện Mỹ, đứng đầu là Thượng nghị sĩ Cộng hòa có tầm ảnh hưởng Lindsay Graham của bang South Carolina, đã chờ đợi nhiều tháng để thông qua các biện pháp trừng phạt thứ cấp này. Nếu chính quyền Tổng thống Trump chấp thuận kế hoạch đó, đây sẽ là một công cụ chính sách đáng kể nhằm gia tăng áp lực lên Nga.
Sự thay đổi trong lập trường của ông Trump cũng có thể dẫn đến việc giải phóng 8 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng tại Mỹ (và 223 tỷ USD tại châu Âu) để hỗ trợ Ukraine, qua đó tạo nguồn tài chính sẵn có để chi trả cho việc chuyển giao vũ khí của Mỹ.
Tuy vậy, Giáo sư David Hastings Dunn phân tích điều không thay đổi ở đây là mục tiêu trong chính sách của ông Trump đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi ông Joe Biden có những biện pháp quyết liệt hơn ủng hộ Ukraine thì ông Trump chỉ đơn thuần kêu gọi một lệnh ngừng bắn.
Giải pháp của ông Trump cho xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tổng thống Mỹ không đề cập đến việc Mỹ sẽ cam kết ra sao về an ninh và ổn định cho Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Đây là một vấn đề lớn hơn nhiều so với câu chuyện Ukraine có gia nhập NATO hay không.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ trong NATO đều coi một lực lượng ổn định đóng tại lãnh thổ Ukraine là điều cần thiết để ngăn chặn nguy cơ Nga tiếp tục mở rộng xung đột trong tương lai. Một hình thức bảo đảm an ninh từ Mỹ vẫn được xem là yếu tố then chốt ở châu Âu.

Vẫn chưa có một kịch bản khả thi cho tương lai xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: CNN)
Thời gian còn đứng về phía Nga
Theo Giáo sư David Hastings Dunn, một điểm đáng chú ý khác trong thay đổi chính sách của ông Trump là khoảng thời gian khá dài mà ông dành cho Nga để quay lại bàn đàm phán.
Trong thời gian này, thực địa xung đột Nga-Ukraine sẽ có nhiều thay đổi. Trên thực địa, 50 ngày là khoảng thời gian quý giá để Nga có thể thực hiện một đợt tấn công mùa hè mới và giành thêm lợi thế tại các vùng đang kiểm soát.
Ông Trump cũng không ít lần đặt ra các thời hạn rồi nhiều lần trì hoãn. Do vậy, với thời hạn 50 ngày này cũng cần những đánh giá đa chiều.
Tổng thống Trump từng nói với phóng viên tại Washington rằng dù ông “thất vọng” với Tổng thống Putin, nhưng “chưa kết thúc với ông ấy", phần nào lý giải sự ngần ngại rõ ràng trong việc trừng phạt nhanh chóng và dứt khoát đối với Nga.
Về vấn đề này, nhà báo Zeeshan Aleem, biên tập viên kỳ cựu mục bình luận của tờ MSNBC Daily cũng đưa ra một số góc nhìn. Theo đó, về mặt ngôn từ, ông Trump đã có sự thay đổi đáng kể trong lập trường với Nga. Nhưng sự chuyển hướng của ông Trump chưa đủ để thay đổi mối quan hệ vốn đã được định hình với Nga.
Đồng tình với chuyên gia David Hastings Dunn, nhà báo Zeeshan Aleem cho rằng khoảng thời gian 50 ngày đủ để Nga đạt được một số bước tiến đáng kể trên thực địa ngay cả khi Ukraine nhận được hỗ trợ từ Mỹ.
Hơn nữa, mức trừng phạt mà ông Trump đe dọa cũng gây tranh cãi. Mỹ nhập khẩu rất ít từ Nga, nên thuế quan không thực sự tạo đòn bẩy lớn. Còn các “thuế thứ cấp” nhắm vào những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ có thể không tác động trực tiếp đến Nga, nhưng lại có nguy cơ đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một vòng xoáy leo thang thương mại mới – điều có thể khiến nền kinh tế Mỹ chịu thiệt.
Theo "cây" bình luận của MSNBC Daily, nỗ lực gia tăng sức ép lên Tổng thống Putin của ông Trump là một bước tiến đáng kể, nhưng còn xa mới đến mức tạo cảm giác “ngàn cân treo sợi tóc” và chắc chắn Nga đang nắm bắt điều đó, tận dụng mọi khoảng trống có thể trong khi thời gian vẫn còn đứng về phía họ.
Như vậy, khi những chính sách của Mỹ đối với xung đột Nga-Ukraine còn chưa "đủ độ tới" thì cuộc xung đột vẫn chưa thể có lối thoát rõ ràng.