Mối bất hòa Israel - Iran vượt ra khỏi 'cuộc chiến trong bóng tối'

Iran-Israel đã coi nhau là kẻ thù chính trong khu vực suốt nhiều thập kỉ qua và mối bất hòa gay gắt ấy đang tiến gần nguy cơ bùng nổ, khi Tel Aviv bị cáo buộc nã tên lửa vào khu nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, khiến nhiều tướng lĩnh cấp cao của Iran thiệt mạng.

Thế đối đầu của hai cường quốc Trung Đông

Trong vụ không kích được mô tả là táo bạo chưa từng có ở thủ đô Damascus của Syria trong nhiều năm, nhà chức trách Syria đầu tháng 4/2024 xác nhận tiêm kích Israel đã phóng tên lửa vào tòa lãnh sự của Iran. Hình ảnh hiện trường cho thấy, một phần khu phức hợp Đại sứ quán Iran đổ sập hoàn toàn, cờ Iran phủ bụi giữa đống đổ nát. Iran sau đó xác nhận 7 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và 6 người Syria thiệt mạng vì đòn tập kích.

Trong số nạn nhân có tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy lực lượng tác chiến ở nước ngoài của đặc nhiệm Quds thuộc IRGC, cùng cấp phó là tướng Mohammad Hadi Haji Rahimi và tướng Hossein Aman Allahi, nhân vật có vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự của Quds ở Trung Đông.

Tướng Zahedi và cấp phó Rahimi là hai nhân vật cấp cao của IRGC thiệt mạng trong vụ tập kích ở Damascus. Ảnh: Tasnim.

Iran và Israel từng khá gần gũi trong quá khứ. Iran là nước có đa số dân theo Hồi giáo thứ hai công nhận Israel năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Giai đoạn này, Tehran và Tel Aviv thân thiết dựa trên hợp tác về quân sự, công nghệ, nông nghiệp và dầu khí. Tuy nhiên, quan hệ hai nước dần trở nên thù địch sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, thời điểm Iran lựa chọn chính sách ủng hộ Palestine nhiệt thành hơn, công khai phản đối Mỹ và Israel. Đến nay, Israel và Iran coi đối phương là kẻ thù chủ yếu ở Trung Đông.

New York Times mô tả, hai nước chưa để xảy ra xung đột trực tiếp, nhưng trong những thập kỉ qua đã tiến hành một cuộc chiến “trong bóng tối”, tấn công các lợi ích của đối phương trên mặt đất, trên biển, trên không và cả trên không gian mạng. Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của mỗi nước trong khu vực, cuộc đối đầu Tehran-Tel Aviv đã định hình đáng kể bối cảnh Trung Đông như hiện nay.

Những năm qua, Israel cáo buộc Iran tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, mở rộng ảnh hưởng thông qua các lực lượng quân sự bên ngoài lãnh thổ, gây phương hại cho Israel trên nhiều mặt trận, ví dụ như gây sức ép lên biên giới phía Bắc Israel từ Syria và Lebanon (thông qua các nhóm dân quân, nổi bật nhất là Hezbollah), can dự dòng chảy ở Biển Đỏ (thông qua Houthi) và Dải Gaza (thông qua Hamas). Israel dùng mọi cách để chống lại Iran, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc ám sát nhắm vào giới tinh hoa và các nhà khoa học hàng đầu của Tehran. Ví dụ, năm 2021, Israel bị cáo buộc hạ sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ở Tehran; tháng 5/2022 là vụ ám sát đại tá Sayad Khodayee, một lãnh đạo của IRGC cũng tại Tehran; và mới đây, tháng 12/2023, Iran tìm ra chứng cứ cho thấy Israel tấn công tên lửa ở Damascus khiến tướng Sayyed Razi Mousavi, cố vấn quân sự cấp cao thuộc IRGC, thiệt mạng.

Tuy vậy, đối với IRGC, sự cố lần này nghiêm trọng hơn nhiều. Cái chết của tướng Zahedi và cấp phó đánh dấu thiệt hại nặng nề nhất mà họ từng hứng chịu kể từ sau vụ không kích của Mỹ khiến chỉ huy Quds là tướng Qassem Soleimani thiệt mạng năm 2020 ở Baghdad, Iraq. Theo AlJazeera, nếu ông Soleimani là kiến trúc sư chính của “trục kháng chiến”, bao gồm các lực lượng quân sự và chính trị đối địch Israel trong khu vực thì tướng Zahedi vừa thiệt mạng là nhân vật then chốt định hình các hoạt động của Quds trên lãnh thổ Syria và Lebanon. Ông Zahedi cũng có vai trò lớn trong việc giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại lãnh thổ từ tay khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân khác.

Theo giới quan sát, đòn tập kích cho thấy, Israel muốn gửi thông điệp cứng rắn đến Iran và các nhóm quân sự gần gũi, rằng, Tel Aviv không loại trừ bất cứ hành động nào để bảo vệ lợi ích. Nó cũng là dấu hiệu “các thành viên và lãnh đạo của IRGC không an toàn ở bất cứ đâu”, bởi tình báo Israel nắm rõ thông tin về hành trình của họ, Israel sẵn sàng cho kịch bản mối bất hòa với Iran có thể vượt giới hạn của một “cuộc chiến trong bóng tối”.

New York Times đánh giá, việc mất đi tướng Zahedi và cấp phó Rahimi sẽ tạo lỗ hổng về mặt chiến lược khu vực với Iran. Tuy nhiên, Sina Azodi, chuyên gia về Iran tại Đại học George Washington (Mỹ), cho biết: “Từ quan điểm chiến thuật ngắn hạn, sự vắng mặt của họ sẽ tạo ra vấn đề. Nhưng, từ góc nhìn chiến lược, nó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Iran trong khu vực và không thể làm giảm đáng kể ảnh hưởng của nước này”.

Tòa lãnh sự quán Iran đổ sập sau đòn tập kích. Ảnh: GettyImages.

Iran “mạnh tay” hay “kiên nhẫn chiến lược”?

Kể từ khi nổ ra xung đột ở Dải Gaza, Israel đã tăng cường không kích nhắm mục tiêu Iran và Hezbollah ở Syria. Tuy nhiên, Israel lần này cho thấy mức độ táo bạo khi họ không ngần ngại tấn công một khu phức hợp ngoại giao, vốn cần được tôn trọng theo thông lệ quốc tế. New York Times mô tả, đòn tập kích không chỉ nhắm vào Iran mà còn cả Syria, nơi đặt Đại sứ quán Iran. Trên CNN, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari không xác nhận đòn tập kích, nhưng giải thích tòa nhà bị tấn công được sử dụng bởi IRGC nên nó có thể bị Israel coi là mục tiêu. “Đây không phải là lãnh sự quán và đây cũng không phải đại sứ quán”, ông nói. “Đây là tòa nhà quân sự của lực lượng Quds cải trang thành tòa nhà dân sự ở Damascus”.

Iran rõ ràng không chấp nhận lập luận đó. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố vụ tập kích “vi phạm rõ ràng các quy định quốc tế và chắc chắn sẽ bị đáp trả”. Trong khi đó, lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei cảnh báo Iran sẽ trừng phạt nghiêm khắc Israel vì vụ tập kích tòa lãnh sự. Tehran cũng cho rằng, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng Nhà Trắng ngay lập tức phủ nhận liên quan. “Chúng tôi không liên quan tới vụ tập kích ở Damascus dưới bất kỳ hình thức nào”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 2/4.

Iran chưa công bố lựa chọn trả đũa. Năm 2020, Iran đã không ngần ngại triển khai tên lửa đạn đạo tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq để phản ứng trước vụ hạ sát tướng Soleimani, khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ bị chấn thương não. Theo New York Times, đối với sự cố lần này, lựa chọn đầu tiên của Tehran cũng là phóng tên lửa đạn đạo tầm xa từ Iran vào mục tiêu trên lãnh thổ Israel hoặc mục tiêu tương đương là một cơ sở ngoại giao của Israel ở nước ngoài. Tehran sở hữu nhiều vũ khí tầm xa chính xác, có thể vươn tới hầu hết các mục tiêu ở Trung Đông. Phương án thứ hai, Iran có thể đáp trả với hỗ trợ các lực lượng quân sự thân thiết bên ngoài lãnh thổ, đặc biệt là Hezbollah, nhóm đang giao tranh với Israel ở biên giới Lebanon-Israel, hoặc các nhóm hiện diện ở Syria và Iraq, hoặc thông qua lực lượng Houthi ở Yemen.

Nếu lựa chọn phương án đầu tiên, Iran sẽ phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ với Israel theo cách có thể khiến Tel Aviv phải cân nhắc kĩ lưỡng hơn trước khi thực hiện các vụ tấn công ám sát trong tương lai. Nó cũng là cách Tehran trấn an các đồng minh ở khu vực về năng lực quân sự của Iran, cũng như quyết tâm bảo vệ lợi ích chiến lược. Tuy nhiên, với một Israel táo bạo dưới quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, việc Israel bị tấn công tên lửa có thể làm bùng nổ một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước, kéo theo sự can dự của Mỹ. Đây là kịch bản không ai mong muốn, bởi một cuộc xung đột như vậy sẽ nhấn chìm Trung Đông vào “biển lửa”, với thiệt hại quy mô lớn hơn rất nhiều cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra ở Dải Gaza.

Với lựa chọn thứ hai, Tehran sẽ duy trì chính sách “kiên nhẫn chiến lược” lâu nay và tránh xung đột trực diện với Israel. Tuy nhiên, kịch bản này không phải là không tiềm ẩn nguy cơ. Từ khi chiến tranh ở Dải Gaza nổ ra, Hezbollah dù thể hiện sự bất bình với Israel, nhưng chưa mở mặt trận thứ hai nhắm vào Tel Aviv, với một trong các nguyên nhân được cho là bởi Iran đã tìm cách kiềm chế họ. Sau cuộc tấn công vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Syria, sự kiềm chế đó có thể suy giảm.

Ralph Goff, cựu quan chức cấp cao của CIA nói rằng, cuộc tấn công “cực kì liều lĩnh” của Israel có thể “dẫn đến sự leo thang của Iran và các lực lượng thân cận của Tehran” đối với Mỹ, biến binh sĩ Mỹ ở Trung Đông trở thành mục tiêu trả đũa, như một cách để Iran buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những gì Israel làm, giống cách Mỹ đang buộc Iran chịu trách nhiệm cho hoạt động của các nhóm dân quân thân cận của Tehran.

Ngoài những lựa chọn trên, Iran cũng có thể tăng tốc chương trình hạt nhân trong nước. Tehran nhiều lần quả quyết không muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Israel không tin và tuyên bố sẽ dùng mọi cách để ngăn trường hợp đó xảy ra. Giới quan sát cảnh báo, căng thẳng leo thang có thể dẫn đến tính toán sai lầm bởi những “cái đầu nóng”. Ngay sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ để trả đũa vụ hạ sát tướng Soleimani, Iran đã đặt quân đội vào tình trạng cảnh giác cao độ và cuối cùng, một nhóm binh sĩ Iran vô tình bắn nhầm máy bay chở khách PS752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine hôm 8/1/2020 gần thủ đô Tehran, khiến 176 người thiệt mạng, vì tưởng nhầm là máy bay địch. Đây là một kịch bản cần được cân nhắc và ngăn chặn.

Hoài Hoài

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/moi-bat-hoa-israel-iran-vuot-ra-khoi-cuoc-chien-trong-bong-toi-i727895/