Mỗi chuyến đi, một kỷ niệm

Gắn bó với nghề báo ở mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà điều kiện KT - XH còn rất nhiều khó khăn; với nhiều người, đó sẽ là sự vất vả cùng những gian khổ, thiệt thòi; nhưng với tôi và những đồng nghiệp đã và đang sống với niềm đam mê nghề thì đó lại là những trải nghiệm, sự tích lũy vốn sống, sự hiểu biết đáng quý. Sau mỗi chuyến tác nghiệp ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa; những người làm báo chúng tôi lại trở về với ăm ắp kỷ niệm và càng thấy yêu nghề, say nghề và gắn bó hơn với mảnh đất còn nhiều gian khó này.

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh phỏng vấn người dân xã Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh phỏng vấn người dân xã Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Nhớ những ngày đầu mới bước chân chập chững vào nghề báo, thấy các anh, chị đi trước “tay xách, nách mang” chuẩn bị cho những chuyến đi, tôi vô cùng hào hứng. Nhưng khi trực tiếp được thâm nhập cơ sở, tôi đã không lường trước được những khó khăn mà mình phải đối mặt. Trong đó, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là chuyến đi vào vùng lũ quét tại thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Con đường vào thôn bị sạt lở nghiêm trọng do cơn lũ dữ, tôi đã quyết định tự đi vào thôn bằng chiếc xe máy của mình. Đoạn đường trơn trượt và gồ ghề lại phải đi qua con suối nước ngập ngang hông người đã khiến tay lái yếu như tôi phải thua cuộc. Sau cú ngã trầy xước chân tay, tôi đã bỏ lại xe máy và cuốc bộ vào thôn. Sau này, tôi mới rút ra kinh nghiệm; đó là, khi vào những địa bàn giao thông đi lại khó khăn cần thiết phải có sự dẫn đường và hỗ trợ của địa phương hoặc người dân bản địa để tránh những sự cố ngoài ý muốn. Vào đến thôn Minh Tiến, không khí tang thương bao trùm xóm nhỏ. Cơn lũ dữ đã cuốn theo ngôi nhà và 3 mẹ con chị Giàng Thị Mảy; hàng chục ha hoa màu, ruộng lúa của người dân nơi đây vẫn chìm trong nước lũ... Trở về cơ quan, tôi đã kịp thời truyền tải những bức ảnh và câu chuyện tang thương nơi vùng lũ đi qua tới bạn đọc; và xóm nghèo Minh Tiến cũng nhận được nhiều hơn sự trợ giúp của các cơ quan, đơn vị cùng chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Cuối tháng 12.2016, trong cái giá rét dưới chục độ C, tôi cùng đồng nghiệp ở Đài PT – TH tỉnh có chuyến tác nghiệp tới các thôn Bó Đướt, Khuổi Luông, Cao Bành, Đán Khao - những thôn đặc biệt khó khăn của xã Thượng Sơn (Vị Xuyên). Men theo con đường dốc đá lởm chởm, chúng tôi tìm đến Thủy điện Thượng Sơn; trước đây thủy điện đã được đưa vào sử dụng, nhưng đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay. Người dân sống gần khu vực Nhà máy Thủy điện nhưng vẫn phải thắp đèn dầu hoặc sử dụng máy phát điện nhỏ dùng sức nước để có điện sinh hoạt. Người dân nơi đây ngày đêm mong mỏi điện sớm về với bản làng để cuộc sống sinh hoạt, sản xuất phần nào vơi bớt những khó khăn. Thấy phóng viên đến, người già, trẻ nhỏ trong thôn kéo nhau đến bày tỏ tâm tư. Khi lấy xong tư liệu, hình ảnh thì đã quá trưa; chúng tôi ai nấy đều thấm mệt và đói. Anh Trưởng bản cùng vợ con lục đục xuống bếp. Một lúc sau, mâm cơm được bê lên với thịt gà và rau. Bữa trưa muộn vào lúc gần 2h chiều cùng với gia đình anh Trưởng bản là bữa cơm ngon và đặc biệt nhất mà tôi từng được thưởng thức. Đặc biệt bởi tình cảm chân thành, quý mến mà người dân nghèo dành cho chúng tôi.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ nữa sẽ tiếp tục đi theo chúng tôi trong suốt hành trình làm báo. Sau mỗi chuyến đi là thêm một kỷ niệm, thêm sự trải nghiệm và giúp chúng tôi thêm yêu, thêm gắn bó với nghề.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201906/moi-chuyen-di-mot-ky-niem-746488/