Mối lo bị thanh, kiểm tra lấn át niềm vui được ưu đãi thuế!

Gần đây Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo nghị quyết của Quốc hội về những ưu đãi thuế rất hấp dẫn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Bài viết này sẽ tóm tắt các ưu, nhược điểm của chính sách mới đồng thời lý giải tại sao một số doanh nghiệp tư nhân chẳng mấy mặn mà với các ưu đãi thuế.

 Có một nghịch lý đã tồn tại từ lâu của các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp là càng nhiều ưu đãi càng đẻ ra nhiều thanh tra, kiểm tra và giám sát. Ảnh: THÀNH HOA

Có một nghịch lý đã tồn tại từ lâu của các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp là càng nhiều ưu đãi càng đẻ ra nhiều thanh tra, kiểm tra và giám sát. Ảnh: THÀNH HOA

Chính sách tiến bộ và có lợi cho doanh nghiệp

Ngày 16-7-2019, Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, doanh nghiệp về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là một dự thảo chính sách tiến bộ và có lợi cho doanh nghiệp ở ba điểm sau.

Thứ nhất, mức độ ưu đãi thuế, miễn thuế khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và hộ kinh doanh. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ được giảm tương ứng 5 điểm phần trăm và 3 điểm phần trăm thuế thu nhập so với mức hiện hành (20%). Các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ được miễn thuế hai năm sau khi phát sinh thu nhập có tính thuế.

Thứ hai, các tiêu chí phân loại doanh nghiệp đơn giản, dễ áp dụng. Trong quy định hiện hành có một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp là họ không biết mình có phải doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa hay không để đăng ký nhận các ưu đãi chính sách. Hiện nay, tiêu chí phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được quy định trong Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, cách phân loại doanh nghiệp trong nghị định này khá phức tạp, sử dụng đồng thời nhiều tiêu chí cụ thể (lao động, doanh thu, vốn) và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Dự thảo nghị quyết nói trên có thể khắc phục nhược điểm đó khi chỉ sử dụng tiêu chí về lao động, doanh thu để xác định đối tượng nhận ưu đãi. Cụ thể, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỉ đồng/năm và không quá 10 lao động đóng bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỉ đồng/năm và không quá 100 lao động đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, chính sách mới khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp để hưởng ưu đãi thuế mà không phải thay đổi cách tính thuế. Lâu nay hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp thường phải tuân thủ việc hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập. Điều này làm gia tăng chi phí tuân thủ, tăng mức đóng thuế và gây ra trở ngại tâm lý khiến các hộ kinh doanh ngần ngại không muốn chuyển đổi. Quy định mới cho phép các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp siêu nhỏ được tiếp tục đóng thuế như cách thức cũ và hưởng mức thuế thấp hơn.

Chưa tính hết chi phí, lợi ích

Tuy vậy dự thảo nghị quyết nói trên cũng có một số nhược điểm. Đầu tiên, một chính sách ưu đãi lớn, có thể tác động tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp cần có một phân tích đánh giá lợi ích, chi phí bài bản nhưng tiếc thay dự thảo nghị quyết chưa làm được điều này.

Theo báo cáo đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết, chính sách mới sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 9.200 tỉ đồng/năm nhưng chưa công khai cách tính chi tiết nên khó có thể kiểm chứng.

Báo cáo đánh giá tác động cũng cần làm rõ thêm chi phí tổn thất thuế cho các địa phương lớn, chi phí để áp dụng, thực thi chính sách, nhất là chi phí tăng thêm khi phải tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm chống thất thu thuế.

Mục tiêu đầu tiên của dự thảo nghị quyết được nêu rõ: “Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp” nhưng báo cáo đánh giá tác động không có một ước tính cụ thể nào về số lượng hộ kinh doanh sẽ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhờ các ưu đãi thuế mới. Một chính sách mà không lượng hóa được mục tiêu quan trọng nhất của mình thì sẽ khó có thể đánh giá kết quả sau khi triển khai.

Ngoài ra, khoản 1 và 2 của điều 3 trong dự thảo nghị quyết dường như mâu thuẫn và vì thế có thể tạo ra các diễn giải khác nhau của cơ quan thuế và của doanh nghiệp. Khoản 1 điều 3 quy định các doanh nghiệp siêu nhỏ phải thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập. Trong khi khoản 2 thì lại quy định các doanh nghiệp siêu nhỏ không tính được chi phí và thu nhập thì được tính thuế theo phần trăm doanh thu, giống như phương pháp đang sử dụng cho các hộ kinh doanh. Vậy là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, có tới hai cách tính thuế thu nhập và chắc chắn khi áp dụng sẽ dẫn tới những kết quả khác nhau về số tiền thuế phải nộp. Từ đó, có thể nảy sinh cơ hội cho những thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Lo càng được ưu đãi, càng bị thanh, kiểm tra nhiều

Có một nghịch lý đã tồn tại từ lâu của các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp là càng nhiều ưu đãi càng đẻ ra nhiều thanh tra, kiểm tra và giám sát. Chính tờ trình dự thảo nghị quyết của Bộ Tài chính đã thừa nhận: để khắc phục sự giảm sút thu ngân sách trong ngắn hạn thì bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.

Nếu không kiểm tra, giám sát thì rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng lỗ hổng chính sách để trục lợi. Nhưng càng kiểm tra, giám sát thì càng tốn kém cho cơ quan nhà nước và chính doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến việc kiểm tra, giám sát còn có thể làm nảy sinh tệ nhũng nhiễu, đòi hối lộ, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh.

Trong tháng 7-2019, người viết đã thực hiện khảo sát, phỏng vấn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM, Bình Dương về môi trường kinh doanh và các ưu đãi chính sách. Một doanh nghiệp nhỏ tại TPHCM phản ánh rằng trong một tháng họ phải tiếp đến ba đoàn kiểm tra: quyết toán thuế, kiểm tra giá vốn, chi phí lãi vay, kiểm toán môi trường, thanh tra lao động... Người chủ than thở doanh nghiệp của ông là một doanh nghiệp tiêu biểu, có vị thế ở địa bàn mà còn bị kiểm tra liên tục thì các doanh nghiệp bình thường khác chắc còn bị kiểm tra nhiều gấp bội. “Mà doanh nghiệp đã bị kiểm tra thì chắc chắn sẽ có sai phạm!”, chủ doanh nghiệp thừa nhận.

Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp chân chính phải hết sức nỗ lực cải tiến sản xuất để có thể bán được hàng và chinh phục thị trường mới. Nhưng chính gánh nặng kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước đã làm hao tổn nhiều thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp. Mà thời gian là tiền bạc! Nếu giảm thuế nhiều hơn nhưng phải chịu thanh tra, kiểm tra nhiều lần hơn thì cuối cùng chi phí chung cho doanh nghiệp lại tăng lên. Chả trách doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không mặn mà gì với ưu đãi thuế. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã phải thốt lên với chúng tôi: “doanh nghiệp không cần ưu đãi, chỉ cần không bị làm phiền là đủ!”.

Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết các khúc mắc đã tồn tại từ lâu về chế độ thuế, kế toán của doanh nghiệp thay vì chỉ quan tâm đến ban hành thêm các ưu đãi mới. Qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp, có hai vấn đề bất cập nổi cộm, đó là quy định khống chế trần lãi vay trong Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, và quy định bắt buộc nộp báo cáo tài chính và chế độ kế toán trưởng. Các quy định này nên được sửa đổi vì chúng đi ngược lại với tinh thần tự do kinh doanh, rất lỗi thời, không phục vụ được mục đích quản lý nhà nước trên thực tế mà còn gia tăng chi phí tuân thủ và kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nội địa.

Văn Thịnh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292183/moi-lo-bi-thanh-kiem-tra-lan-at-niem-vui-duoc-uu-dai-thue.html