Mỗi người dân cần trang bị trang bị cho mình 'kháng thể'
Thế giới đang ở trong kỷ nguyên số, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có diễn biến phức tạp với nhiều chiêu trò tinh vi. Những phương thức cũ như giả danh Công an, cán bộ Thuế… tiếp tục được các đối tượng tận dụng.

Lực lượng Công an tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao cho người dân, công nhân các khu công nghiệp.
Tình trạng này cho thấy tội phạm công nghệ cao đã và đang lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu cảnh giác của người dân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa từ phía cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân tự trang bị cho mình “kháng thể” trước các thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong tuần từ ngày 23 đến 30-6, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với các thủ đoạn không mới nhưng vẫn khiến người dân sập bẫy. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: ngày 25-6, anh Bùi Minh C. (trú Hà Nội) bị đối tượng lừa đảo giả danh lực lượng Công an điện thoại đến nói anh có liên quan đến vụ rửa tiền. Anh đã làm theo hướng dẫn và chuyển hơn 900 triệu đồng cho đối tượng; anh Q (trú phường Hòa Khánh, Đà Nẵng) bị đối tượng xưng là cán bộ Thuế TP Đà Nẵng yêu cầu chứng minh năng lực vốn điều lệ của công ty… và đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng.
Việc tội phạm tận dụng công nghệ để tạo ra các website, tài khoản mạng xã hội giả mạo khiến nạn nhân khó phân biệt thật - giả, trong khi công tác tuyên truyền ở một số nơi còn hạn chế, chưa đến được với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, phụ nữ nội trợ, người lao động ngoại tỉnh...

Cập nhật kiến thức về an ninh mạng đến từng người dân.
Tại TP Huế, cơ quan chức năng cũng đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thông qua việc lợi dụng điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chiếm đoạt tài sản như: Giả danh nhân viên điện lực gọi điện yêu cầu cập nhật thông tin thanh toán tiền điện do “điều chỉnh địa giới”; giả mạo cơ quan thuế yêu cầu gửi Căn cước, giấy phép đăng ký để “cập nhật địa chỉ”; giả danh cơ quan BHXH, Công an, UBND mượn cớ thông tin Căn cước sai, yêu cầu gửi ảnh hoặc truy cập link có giao diện giả mạo;… dẫn dụ người dân cấp quyền điều khiển điện thoại, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Trước thực trạng trên, cơ quan Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân. Tại Đà Nẵng, trong tuần, toàn lực lượng đã sản xuất và đăng tải gần 100 tin, bài trên cảnh báo các thủ đoạn tội phạm công nghệ cao trên các trang Fanpage “Công an TP Đà Nẵng”, “Truyền hình An ninh Đà Nẵng”, Chuyên đề Công an TP và các kênh nội bộ. Bên cạnh đó Công an các đơn vị, địa phương trước khi sát nhập các đơn vị cũng đã tổ chức 51 buổi tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư, trường học, doanh nghiệp với tổng số 2.600 người tham dự.
Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho người lạ qua mạng; không chuyển tiền khi chưa xác minh rõ danh tính người nhận; cần kiểm tra kỹ nguồn gốc website, fanpage; và báo ngay cho cơ quan Công an khi có dấu hiệu nghi vấn. Bên cạnh đó, Công an các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại khu dân cư, trường học, doanh nghiệp; phát hành tờ rơi, infographic, xây dựng video clip minh họa để người dân dễ tiếp cận, ghi nhớ và chủ động phòng tránh. Để qua đó, mỗi người dân sẽ là “lá chắn mềm” trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi trong thời đại số.