Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch

Cuối năm 2019, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, ít người dân Thái Nguyên hiểu về virus Corona. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân đã hiểu được mức độ nguy hiểm và sự lây lan nhanh chóng của loại virus này. Bởi thế, mọi người đã có ý thức phòng, tránh dịch bằng cách hạn chế tụ tập đông người; ra đường đeo khẩu trang; chủ động khai báo y tế… Để đạt được kết quả này có sự góp phần không nhỏ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ và công dân xã Minh Lập (Đồng Hỷ) khi đến làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã đều được yêu cầu sử dụng nước sát khuẩn và bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ và công dân xã Minh Lập (Đồng Hỷ) khi đến làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã đều được yêu cầu sử dụng nước sát khuẩn và bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Đồng chí Nông Văn Điệp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (Đại Từ) cho rằng: Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, để đạt được thắng lợi phải trông chờ rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân. Muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch thì việc tổ chức cho toàn bộ các hộ dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp địa phương “ràng buộc” từng người dân thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh khi dịch ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, ngay từ sau Tết Nguyên đán, lực lượng cán bộ cơ sở, nhất là các tổ trưởng tổ dân phố, xóm, bản… trong tỉnh đã tích cực đến từng gia đình ký cam kết phòng, chống dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Thám, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi không quản ngại đến gõ cửa từng hộ dân để vừa rà soát nhân khẩu, khai báo y tế, vừa để cho bà con ký cam kết phòng, chống dịch. Đáng mừng là các hộ dân trong tổ đều rất phối hợp trong quá trình ký cam kết và đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Còn theo chị Lê Thị Mận, một người dân ở vùng chè Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) thì: Trong mỗi bản cam kết đều thể hiện sự chung ý chí của các hộ dân và chính quyền phường. Chúng tôi ý thức được rằng, trách nhiệm phòng, chống dịch không chỉ của Nhà nước, mà mỗi người dân cũng là “một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” ấy.

Điều đáng nói là bên cạnh các nội dung cam kết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bản cam kết còn cung cấp số điện thoại thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cán bộ cấp phường, xã, thị trấn; cán bộ trạm y tế; Công an, để nhân dân thuận lợi trong việc liên hệ phản ánh tình hình dịch, tình hình người từ nơi khác về tạm trú tại gia đình và tổ dân phố, xóm, bản. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, đến nay 180/180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành việc ký cam kết với các hộ dân. Đặc biệt, tỉnh ta đã thành lập được 2.598 tổ công tác tự quản thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại 2.336 thôn, xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Các tổ tự quản đều có đầy đủ các thành phần như bí thư chi bộ, trưởng xóm (tổ trưởng dân phố), trưởng Ban Mặt trận, trưởng các đoàn thể cấp xóm... Hiện, các tổ tự quản đang hoạt động rất tích cực. Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho biết: Các tổ tự quản ở xã chúng tôi hoạt động khá hiệu quả. Từ đầu tháng 4 đến nay, hằng ngày, thành viên của các tổ đều đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và kịp thời nhắc nhở những trường hợp có biểu hiện vi phạm.

Ngoài việc vận động người dân ký cam kết, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh còn phát tờ rơi đến từng hộ gia đình (đã phát 500 nghìn tờ rơi và 3.000 tờ poster); triển khai việc tuyên truyền phòng, chống dịch qua các cụm loa truyền thanh cấp xóm, xã; vận động bà con khai báo đầy đủ thông tin y tế, đến những nơi đông người phải sát khuẩn và đeo khẩu trang... Bà Lê Thị Nga, một người dân ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) nói: Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, chúng tôi đã hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch và đang chủ động phòng, chống. Nhất là việc chủ động khai báo y tế toàn dân theo yêu cầu của Bộ Y tế. Nhờ có điện thoại thông minh, nhiều người dân đã tìm được trang web và khai báo đầy đủ nội dung theo yêu cầu của tờ khai.

Với nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện tích cực ngay từ cơ sở, đặc biệt là khi ý thức trách nhiệm của người dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên, chúng tôi tin rằng dịch bệnh nguy hiểm sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/moi-nguoi-dan-la-mot-chien-si-tren-mat-tran-phong-chong-dich-270502-205.html