Mỗi phiên tòa - một bài học

'Mỗi phiên tòa được mở không chỉ có ý nghĩa đưa bị cáo ra xét xử, xác định, làm rõ tội danh, áp dụng các hình phạt phù hợp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với các bị cáo, không bỏ sót, lọt tội phạm mà còn là những câu chuyện; bài học thức tỉnh với những người phạm tội hoặc đang có tư tưởng phạm tội mà cả với mọi người dân trên địa bàn về con đường dẫn đến phạm tội cũng như những hình phạt nghiêm minh của pháp luật. Để từ đó tự răn mình, đồng thời giáo dục người thân trong gia đình, dòng họ luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật' - thẩm phán Lê Văn Tuấn, Chánh án TAND tỉnh chia sẻ.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Oanh, trú tại xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Oanh, trú tại xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Ngày 5/5/2021, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo Cấn Thị Thêu (SN 1962) và Trịnh Bá Tư (SN 1989), cùng trú tại xã Ngọc Lương (Yên Thủy) là 2 mẹ con về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được đông đảo người dân quan tâm theo dõi khi mở vào đúng thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Bản án 8 năm tù dành cho mỗi bị cáo là một hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao đối với những kẻ khinh nhờn phép nước, còn ôm mộng tưởng chống phá. Trước 2 mẹ con Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, TAND tỉnh cũng đã từng đưa bị cáo Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1963), trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) ra xét xử cũng về tội danh theo Điều 117, Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa xét xử, dù bị cáo phản bác, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi đã phải cúi đầu xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Không chỉ các vụ án "hiếp dâm”, "hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, tội phạm về ma túy hay nhóm tội xâm phạm thân thể người khác như "cố ý gây thương tích”, mà những vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” cũng được đưa ra xét xử một cách nghiêm minh, hình phạt cho từng bị cáo có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa rất cao. Như mới đây, TAND tỉnh đưa bị cáo Trần Văn Thắng (SN 1963), trú tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) ra xét xử về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trần Văn Thắng đã phải nhận tổng cộng 16 năm tù, trong đó, 13 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Hay như vụ bị cáo Nguyễn Văn Tùng (SN 1980), trú tại Ứng Hòa (Hà Nội) bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh xử phạt hơn 8 tháng tù về tội "không tố giác tội phạm”. Là lái xe taxi nhưng khi biết hành khách mình chở từ Mai Châu về Hà Nội có vận chuyển ma túy trái phép, Tùng không báo với cơ quan chức năng mà còn có hành vi chống đối, lái xe bỏ chạy khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính.

Theo thẩm phán Lê Văn Tuấn, Chánh án TAND tỉnh, với bất kỳ ai cũng vậy, ngay cả những người làm công tác xét xử khi làm bất cứ việc gì cũng phải có ý thức thượng tôn pháp luật. Đây chính là bài học đầu tiên phải nằm lòng. Bởi những người có ý thức thượng tôn pháp luật cũng chính là những người được giáo dục đầy đủ, sống trong một môi trường tốt. Chúng tôi xác định và mong muốn mỗi phiên tòa là một câu chuyện pháp luật, sẽ lan tỏa những bài học có tính răn đe, lời cảnh tỉnh đắt giá, trực tiếp giáo dục pháp luật đến người dân một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/153388/moi-phien-toa-mot-bai-hoc.htm