Môi trường bền vững và tăng trưởng xanh: Hướng đi từ nông nghiệp tuần hoàn
Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải chăn nuôi, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái tuần hoàn phải có phương án rõ ràng và đảm bảo để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
Gây ô nhiễm cao
Các chuyên gia kinh tế và môi trường nhận định, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong khu vực và thế giới. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 về đàn lợn, sản lượng sữa nguyên liệu lớn thứ 3 trong ASEAN và thức ăn chăn nuôi đứng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này cũng tạo áp lực lớn đối với môi trường.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng giúp cây phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất. Ảnh: H.A
Theo TS Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mỗi năm toàn ngành phát sinh khoảng 63,2 triệu tấn phân và gần 349 triệu m3 nước thải. Trong đó, lợn là nguồn phát thải lớn nhất về nước thải (chiếm hơn 84%), còn phân thải tập trung nhiều ở bò, trâu và gia cầm. Về phát thải khí nhà kính, trong giai đoạn 1994 - 2020, lượng phát thải từ ngành chăn nuôi tăng hơn 3 lần, từ 9,78 triệu tấn CO2e lên 30,94 triệu tấn. Dự báo đến hết giai đoạn năm 2025, con số này có thể vượt 34 triệu tấn CO2e.
Để đối phó với ô nhiễm, theo TS Phạm Kim Đăng, ngành chăn nuôi đã ứng dụng một số giải pháp như hầm khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ compost, công nghệ vi sinh... Tuy nhiên, việc phổ biến các công nghệ này tại cơ sở còn hạn chế, một phần do thiếu vốn đầu tư, phần khác là do thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp.
Không riêng gì ngành chăn nuôi, hiện lĩnh vực trồng trọt - chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng, từ suy thoái đất đến ô nhiễm nguồn nước và hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao. Hiện ngành trồng trọt đang bị tác động nặng nề bởi lối canh tác chưa bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện tượng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật kéo dài nhiều năm qua đã làm suy giảm độ phì nhiêu đất, gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, đặc biệt ở các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Cơ chế để chuyển mình
Để khắc phục ô nhiễm trong ngành chăn nuôi, TS Phạm Kim Đăng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho chăn nuôi bền vững, khuyến khích đầu tư vào xử lý chất thải và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, ưu tiên các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, cũng như giảm thiểu phát thải.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mặt, đất đai bị xói mòn, mất đa dạng sinh học, giảm năng suất, tăng chi phí sản xuất… ngành trồng trọt đang chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình canh tác sinh thái và nông nghiệp tái sinh. Một số giải pháp tiêu biểu đang được triển khai gồm: gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ; phục hồi độ phì nhiêu đất bằng canh tác đa dạng cây trồng; cải thiện hệ thống tưới tiêu thông minh và quản lý nguồn nước hiệu quả.
Ông Mạnh kiến nghị, cần hoàn thiện khung pháp lý về sản xuất trồng trọt bền vững, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế phẩm sinh học và phân hữu cơ. Đồng thời phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp xanh, tập trung nghiên cứu giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phụ thuộc vào hóa chất nông nghiệp.
Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho hay, để sản xuất nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư từ gốc, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Tuy nhiên, để mô hình doanh nghiệp xanh nhân rộng, rất cần sự đồng hành từ chính sách.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành, hiện Bộ đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sản xuất xanh như phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong canh tác; xây dựng bản đồ khí hậu phục vụ dự báo thời tiết nông nghiệp chính xác...