Món quà của Tuấn và những 'di chúc đặc biệt'

Bác sĩ đến từ Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành lấy giác mạc của Nguyễn Võ Anh Tuấn sau khi bệnh nhân qua đời. Ảnh: YÊN LAN

Tuấn nói: “Em Hải An nhỏ vậy mà biết nghĩ cho người khác. Con lớn rồi nhưng không thể làm được gì. Con muốn để lại cho đời cái gì đó trên thân thể con, để con thấy con đến cuộc đời này còn có ích”.

Tuấn, và những người đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, xác của họ sau khi chết là vô cùng dũng cảm. Họ có trái tim rất đặc biệt.

“Những con người cực tốt

Trái tim thường hay đau”.

Một món quà, hai cuộc đời có cơ hội tìm lại ánh sáng

Hôm đó, hơn 5 giờ sáng, chị Võ Thị Sương - mẹ Nguyễn Võ Anh Tuấn - gọi điện cho tôi: “Cháu đi rồi. Bác sĩ đang trên đường từ Huế vô”.

Cuối năm học lớp 2, Tuấn bắt đầu có những dấu hiệu mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne - bệnh lý thần kinh cơ di truyền, chủ yếu xảy ra ở bé trai. Vợ chồng chị Sương đã gom góp, vét mót, vay mượn tiền đưa con “gõ cửa” các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, rồi từ TP Hồ Chí Minh ngược ra Đà Nẵng, Huế, đến cả Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, kiên trì chạy chữa. Nhưng không có phép màu nào đến với cậu bé. Đôi chân Tuấn yếu dần, yếu dần. Đến năm 2009, Tuấn không thể đi lại được nữa. Từ đây, cuộc sống của em gắn chặt với chiếc giường. Cũng trong năm đó, tai họa tiếp tục giáng xuống. Cha Tuấn bị đột quỵ, qua đời.

Gánh nặng gia đình oằn vai chị Sương.

Chỗ trú ngụ duy nhất của ba mẹ con cũng đành phải bán. Trong mấy năm, chị Sương và hai con phải nhiều lần chuyển từ nhà trọ này sang nhà trọ khác vì người cho thuê sợ Tuấn sẽ chết trong căn nhà của họ.

Ngày nọ, chị Sương nghe con trai thủ thỉ: “Mẹ ơi, con xem TV, thấy có những mảnh đời bất hạnh. Và con thấy bé Hải An, dù mới 7 tuổi, trước khi mất đã cho đi một phần cơ thể để cứu những người mắc bệnh nan y. Mẹ cho phép con làm điều đó nghen mẹ”. Người mẹ lặng đi, không ngờ đứa con chịu quá nhiều thiệt thòi của mình lại sâu sắc như vậy.

Suy nghĩ, và rồi chị Sương quyết định đồng hành với con trai. Chị liên hệ với chị Nguyễn Thị Thu Vân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên - một phụ nữ rất nhiệt thành trong các hoạt động thiện nguyện, ngập ngừng chia sẻ về nguyện vọng của hai mẹ con. Nhờ sự kết nối của chị Vân, tháng 4/2018, hai mẹ con chị Sương cầm trên tay “Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng”.

Tối 19/2, khi bệnh của Tuấn trở nặng, người mẹ đưa con nhập viện và xuất trình tấm thẻ đặc biệt đó. Song song với việc điều trị, “còn nước thì còn tát”, những bánh xe của một hành trình đầy nhân văn âm thầm khởi động.

3 tháng qua, chân tay co rút, phổi và các cơ quan nội tạng khác suy kiệt, phải ăn qua đường ống thông…, Tuấn nằm bất động trên giường bệnh. Những khi trí não thoát khỏi lớp lớp sương mù, Tuấn mở mắt, mỉm cười với mẹ. Có một điều lạ là bệnh tật như thế, đau đớn như thế vẫn không làm tắt nụ cười của Tuấn.

“Cháu ra đi rất nhẹ nhàng, khoảng 4 giờ sáng. Bệnh viện đã gọi điện báo, họ đang trên đường vô, nghe nói đi tới Bình Định rồi”, chị Sương kể. Nước mắt hình như đã cạn.

Được sự điều động của Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, bác sĩ từ Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế tức tốc lên đường vào Phú Yên để lấy giác mạc mà Tuấn hiến tặng. “Tôi cầu mong giác mạc của Tuấn tương thích để người được ghép sáng mắt trở lại, có cuộc sống bình thường, vui vẻ, thì cũng như con mình được tiếp tục sống”, người mẹ nhỏ giọng chia sẻ.

Khoảng 13 giờ 30, bác sĩ từ Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế đến nơi. Họ nhanh chóng chuẩn bị, nhẹ nhàng và thận trọng thực hiện các thao tác để nhận món quà của Tuấn: Hai lớp màng rất mỏng bên ngoài con ngươi - nơi ánh sáng đi qua, giúp tế bào thị giác nằm ở võng mạc nhận biết được hình ảnh; hình ảnh được truyền lên não và con người nhận thức được vật thể, thế giới chung quanh.

Tuấn nằm như đang ngủ say trong khi các thầy thuốc tỉ mỉ làm việc. Quá trình lấy giác mạc được các bác sĩ thực hiện trong vòng 30 phút và không làm thay đổi hình dạng đôi mắt Tuấn.

Những con số biết nói và bản di chúc đặc biệt

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) đưa ra những con số biết nói: Tại Việt Nam có khoảng 15.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, nhưng số người hiến tạng khi chết não (mất không thể phục hồi tất cả chức năng của não, bao gồm cả thân não) hết sức ít ỏi: chỉ khoảng 10 người. Vẫn còn rất nhiều người sợ hiến tạng bởi quan niệm khi chết đi phải vẹn toàn cơ thể. Họ không biết rằng cả nước có 1.791 người mắc các bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép tạng để được sống. Sẽ ý nghĩa, cao đẹp biết bao nếu dành cho người khác một phần cơ thể mình sau khi trái tim đã ngừng đập, não đã chết, và sẽ trở về với cát bụi. Cho đi để cứu được những sinh mệnh khác, những cuộc đời khác. Cho đi là còn mãi.

Vào tháng 4/2018, khi mẹ con chị Sương hồi hộp cầm trên tay “Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng” từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cả nước có hơn 7.700 người đăng ký hiến tạng. Đến thời điểm này, số lượng đăng ký đã tăng lên 12.374 người. Đó là những tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi một quan niệm, và sự lan tỏa của một nghĩa cử cao đẹp.

Với chị Đào Thị Tùng Linh (phải) "cho đi là còn mãi".

Với chị Đào Thị Tùng Linh (phải) "cho đi là còn mãi".

Hai năm trước, có một phụ nữ trẻ bắt đầu tìm hiểu và quyết định hiến tạng sau khi chết não. “Khi tôi nhận thẻ về, ba mẹ tôi khóc, con tôi khóc... Tôi giải thích: “Họ nói mắt con rất đẹp nên khi không còn trên đời, con muốn tặng ai đó ánh sáng này. Và trái tim con, xin gửi lại để người nhận tiếp tục thay con “Kết nối - chia sẻ yêu thương”. Cơ thể này cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng, nhưng hãy cho phép con chia cho những người cần khi con chết đi...”, chị Đào Thị Tùng Linh (SN 1984) đã thuyết phục gia đình để thực hiện tâm nguyện của mình.

Là mẹ đơn thân, phải lao động nuôi hai con nhỏ nên người phụ nữ ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) “chỉ” đăng ký hiến tạng sau khi chết não, chứ tâm nguyện của chị còn hơn thế nữa. “Tôi biết rất nhiều người, trong đó có những người thật sự tài năng, nằm chờ chết vì không có tạng thay thế. Tôi cũng biết rằng một người chết não có thể cứu sống đến chục người khác. Bởi thế nên tôi quyết định hiến tạng sau khi chết não vì chẳng muốn “phung phí” cái người ta đang rất cần, trong khi mình mang theo chờ ngày phân hủy”, chị Linh thổ lộ.

Chị Linh đã giúp người thân, bạn bè hoàn thành 7 hồ sơ để nhận được tấm thẻ mà họ gọi là “Di chúc đặc biệt”. Chị góp phần để nhiều người hiểu rằng hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, cần được lan tỏa.

*

Tôi đã thầm nói với Tuấn khi việc tiếp nhận giác mạc của em hoàn tất, và chiếc băng ca từ từ rời Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đến nơi xe của bệnh viện đang chờ sẵn, đưa em về nhà: “An nghỉ nhé Tuấn - người có tâm hồn đẹp như ánh sáng”.

Bài viết này của chúng tôi là lời tri ân em, tri ân người mẹ của em - cô giáo dạy tại Trường mầm non Sen Vàng, đang cùng con gái sống chật vật trong căn nhà trọ ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa). Bài viết này cũng là lời tri ân gửi đến những người đang sở hữu chiếc thẻ có dòng chữ “Tôi tình nguyện hiến tặng mô, tạng của tôi sau khi chết/chết não mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào”. Bằng tấm lòng và sự dũng cảm, họ đã cho thấy trong đời sống còn biết bao điều cao đẹp xuất phát từ trái tim yêu thương con người.

Theo quy định, công dân đủ 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não. Người đăng ký có thể đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, địa chỉ: Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức (số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc Bệnh viện Chợ Rẫy (số 201B đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hồ Chí Minh), khi đi mang theo CMND và một ảnh thẻ, sau khoảng 15 phút sẽ có thẻ, hoặc truy cập vào địa chỉ http://vnhot.vn/article/huong-dan-dang-ky-hien-tang-mo-tang-sau-khi-chet-chet-nao và làm theo hướng dẫn.

Khi có người thân qua đời/chết não và gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô, tạng của người đó, hãy gọi đến đường dây nóng 0915060550 vào bất cứ lúc nào.

“Tuấn mới 22 tuổi. Em biết mình mắc bệnh loạn dưỡng cơ và mong muốn hiến tặng những bộ phận cơ thể có thể hiến tặng được để giúp cứu chữa cho người khác. Đó là nghĩa cử rất cao đẹp, rất đáng quý”.

BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

VŨ HOÀNG - YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/240258/mon-qua-cua-tuan-va-nhung--di-chuc-dac-biet-.html