Món 'quà' phá cả cuộc đời

Mấy ngày qua, theo dõi phiên tòa xét xử vụ án 'chuyến bay giải cứu', dư luận được nghe nhiều từ 'quà' và 'qua'. Nhớ lại chuyện về những món quà có giá trị lớn, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng trong một số vụ đại án đã xét xử gần đây đều thấy điểm chung, đó là người nhận quà và người đưa quà có thể trực tiếp hoặc qua trung gian để bỏ qua, ngầm xí xóa với nhau những nguyên tắc, thậm chí là lờ đi cả những quy định của luật pháp hòng trục lợi cá nhân.

Hệ lụy của những vụ việc này là vô cùng lớn! Nó không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân cả về kinh tế mà nguy hại hơn, món “quà” gắn liền với chữ “qua” ấy của những “con sâu làm rầu nồi canh” còn hủy hoại tinh thần thượng tôn pháp luật, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền. Thật đau xót khi những cán bộ thi hành công vụ lại phạm pháp, tiếp tay cho hành vi phạm pháp, rơi vào vòng lao lý chỉ vì những món “quà” hậu tạ rất lớn được đựng trong thùng cát-tông hay thùng rượu... mà họ ngụy biện là không rõ giá trị.

Vi phạm nhãn tiền ấy, nguyên nhân chính là bởi sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, khiến lòng tham và những toan tính cá nhân che lấp tinh thần thượng tôn pháp luật. Thật khó chấp nhận với những lời ngụy biện rằng, món quà trị giá hàng tỷ đồng các đối tượng nhận chỉ là quà cảm ơn sau mỗi vụ việc và rằng, không biết mình đang nhận hối lộ. Thực tế, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rất cụ thể tại Điều 2: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Nội dung đó cũng được làm rõ thêm trong Điều 22 của luật này: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” ngày 11-7. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” ngày 11-7. Ảnh: TTXVN

Như vậy là "hai năm rõ mười" về hành vi tham nhũng, đưa-nhận hối lộ để tiếp tay cho vi phạm pháp luật. Để chấn chỉnh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa. Không chỉ làm tốt công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ mà các cấp ủy phải thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng đạo đức công vụ, kiến thức pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền. Các hoạt động công vụ, đặc biệt là hoạt động liên quan đến pháp luật cần phải công khai, minh bạch, tránh kẽ hở để cá nhân, tổ chức lợi dụng “lách luật”. Bên cạnh đó, nguồn tiền, chi tiêu tài chính của các tổ chức, cá nhân phải được kiểm soát tốt bằng các biện pháp số hóa và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Việc kê khai, giám sát tài sản cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện chặt chẽ, minh bạch...

Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức cần nghiêm túc suy ngẫm, không mắc phải sai lầm nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; thực sự nghiêm khắc với bản thân, tự giác nâng cao tinh thần "dĩ công vi thượng". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Ông cha ta cũng đã đúc rút: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Việc sai, việc xấu không thể giấu được mãi. Nếu cán bộ, công chức không thức tỉnh, sa vào tham nhũng, tiêu cực thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, đến lúc hối hận đã quá muộn màng. Mỗi người hãy luôn cảnh giác với lòng tham của chính mình, đừng lóa mắt bởi những món quà vụ lợi để rồi "cho qua" mà phá cả cuộc đời, gia đình đau xót!

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mon-qua-pha-ca-cuoc-doi-734818