''Một chương trình, nhiều bộ sách'' là chủ trương đúng

Từ năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu đưa bộ sách giáo khoa mới vào chương trình giảng dạy trên cả nước đối với lớp 1. Đây cũng là lần đầu tiên trong nghề nhiều giáo viên được tự chọn sách giáo khoa để giảng dạy thay vì 'đến hẹn lại lên' với bộ sách dùng chung cho cả nước. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, phụ huynh học sinh xoay quanh vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam:
Ðây là cách làm mới theo xu thế tiến bộ

Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang được thực hiện ở nước ta hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đó hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực thực hiện vốn đã được bàn bạc, chọn lựa một cách kỹ lưỡng, phù hợp với học sinh Việt Nam. Đây là một xu thế tiến bộ bởi học sinh đi học không chỉ để hiểu và tích lũy kiến thức, mà hơn thế nữa còn áp dụng những kiến thức đó vào học tập và đặc biệt là trong cuộc sống.

Với quan điểm đó, chương trình phổ thông mới ở nước ta lần này có những thay đổi quan trọng về mục tiêu, kết cấu nội dung, về định hướng đổi mới phương pháp dạy học, về đánh giá kết quả học tập. Việc xây dựng các bộ sách giáo khoa (SGK) mới phải trên tinh thần quán triệt định hướng và mục tiêu của chương trình (chương trình tổng thể cũng như chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm), khung nội dung và đặc biệt là các yêu cầu cần phù hợp, tránh quá tải. SGK sẽ được đánh giá theo một hệ thống tiêu chí và chỉ báo nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở kế thừa ưu điểm của SGK hiện hành, có học tập kinh nghiệm biên soạn SGK của các nước trên thế giới, những bộ SGK mới đã được biên soạn (bộ SGK lớp 1) với tư cách là tài liệu tự học cho học sinh, không đơn giản là trình bày kiến thức học sinh cần lĩnh hội mà còn tạo cơ hội thuận lợi cho việc dạy học, hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cũng như cho việc đánh giá kịp thời, tin cậy đối với kết quả học tập. Thông qua SGK, dưới sự tổ chức và hướng dẫn của giáo viên, học sinh thực hiện một cách hứng thú quá trình khám phá, lĩnh hội kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng và trong quá trình đó phát triển các năng lực thích hợp.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, cần có sự chuyển động tích cực về ý thức đổi mới; phải có những hiểu biết cần thiết để đổi mới cách dạy, cách học, trước hết là ở đội ngũ giáo viên. Đây là một quá trình đòi hỏi vượt qua nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là sức ỳ, thói quen được hình thành từ lối dạy học cũ. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, mà còn cần sự phối hợp tích cực của các giới ngành, các phương tiện truyền thông. Hy vọng quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh - chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực:
Bộ sách giáo khoa mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục

“Một chương trình, nhiều bộ sách” là chủ trương đúng đắn, kết hợp với việc đổi mới SGK theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, có thể tạo cú hích mạnh mẽ cho giáo dục phổ thông Việt Nam. Từ triết lý chung, các nhóm tác giả triển khai mỗi bộ sách theo cách tiếp cận và phương pháp riêng, tạo được sự đa dạng thú vị trong sự thống nhất. Sẽ có nhiều điểm mới trong mỗi bộ sách, xóa đi những lối mòn trong cách viết SGK nhiều năm nay, tạo độ “mở” cần thiết cho phép giáo viên được là những người “đồng thiết kế” bài học, hoạt động giáo dục cùng người biên soạn.

Tuy nhiên, cái mới không dễ ngay lập tức được đón nhận, nhất là khi nhiều thói quen rập khuôn khiến một số giáo viên trở nên thụ động khi tiếp nhận và sử dụng SGK. Giờ là lúc các thầy cô phải thay đổi mình, giành lấy quyền chủ động cùng sự hỗ trợ của SGK mới.

Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực nhấn mạnh cách tiếp cận vấn đề từ góc độ năng lực - năng lực của học sinh và cả năng lực của giáo viên. SGK phải hướng đến việc hình thành kỹ năng, phương pháp làm việc, học tập và trau dồi kỹ năng sư phạm của giáo viên, đồng thời cho phép giáo viên được lựa chọn các phương án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, với nội dung giáo dục của địa phương. Giáo viên thậm chí có thể sử dụng SGK như những gợi ý tham khảo để tự đề xuất phương án của mình.

Để hỗ trợ họ, khi tham gia biên soạn sách, chúng tôi rất chú trọng việc viết sách giáo viên. Các tác giả hướng tới việc không chỉ đưa ra các bài học, hoạt động giáo dục cụ thể cùng các bài giảng mẫu, mà còn trình bày kỹ các nguyên lý và quan điểm thiết kế từng dạng bài học, từng hình thức hoạt động, phương pháp đánh giá hoạt động của học sinh. Nói cách khác, sách giáo viên giúp các tác giả SGK và các thầy, cô giáo tìm được tiếng nói chung để trên cơ sở đó, các thầy cô có thể mạnh dạn bổ sung, thay thế, làm mới, mở rộng... các nội dung bài học hoặc các hoạt động dựa trên đề xuất của nhóm tác giả.

Với sự góp ý, phản biện của xã hội, người sử dụng sách, tôi tin bộ sách sẽ đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chị Hoàng Lan Hương (phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên, Hà Nội):
Ðặt trọn kỳ vọng vào trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên

Là phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, tôi khá băn khoăn khi biết năm học này bộ SGK mới sẽ được đưa vào sử dụng. Về hình thức thì bộ SGK mới có chất lượng tốt, hình thức trình bày đẹp, màu sắc hài hòa, hình ảnh sinh động tạo cảm hứng học tập. Về nội dung, các bộ sách đều có nội dung phong phú, đa dạng, nhiều nội dung gắn liền với thực tiễn, áp dụng được vào cuộc sống của các em.

Tuy nhiên, tôi thấy khoảng thời gian để giáo viên chuẩn bị cho tất cả các việc, từ việc tập huấn đến chuẩn bị phương pháp dạy theo sách mới, trang thiết bị giảng dạy... là quá ngắn. Thêm vào đó, giá một bộ SGK mới khá cao. Sự phát triển năng lực của học sinh phụ thuộc nhiều vào sự hướng dẫn của giáo viên, vì thế, phụ huynh chúng tôi đặt trọn kỳ vọng vào trách nhiệm, tâm huyết của các thầy, cô giáo, nhất là của hội đồng chọn SGK của nhà trường. Mong các thầy, cô thực sự chuyên tâm, đầu tư công sức, thời gian, trí tuệ và nghiệp vụ chuyên môn cho việc chọn sách; không làm việc qua loa, đại khái. Việc chọn SGK phải thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhất là nhận thức của học sinh nhà trường.

Hoàng Lan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/976079/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-la-chu-truong-dung