Một giờ ở cảng Quy Nhơn

TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chưa phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Mọi hoạt động tại cửa khẩu cảng biển phải giữ nhịp theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhưng việc cảnh giác phải được đặt ở mức cao độ. Cảng biển Quy Nhơn cũng là một trong những “chiến tuyến” quan trọng ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của loại virus khiến cả thế giới khiếp sợ hiện nay.

Cảng Quy Nhơn đang hoạt động khá nhộn nhịp vào dịp đầu năm.

Cảng Quy Nhơn đang hoạt động khá nhộn nhịp vào dịp đầu năm.

Buổi sáng ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, những chiếc xe rơ-moóc chở các thùng đựng dăm gỗ, hàng hóa chạy tấp nập. Tấm pa nô căng trên tường Ban quản lý cảng Quy Nhơn công bố con số tròn trĩnh “9 triệu tấn hàng qua cảng trong năm 2019”. Âm thanh ì ầm và đoàn xe nối nhau, chứng tỏ Cảng Quy Nhơn đang khá sôi động. Trong bảng nhật ký của Cảng vụ hàng hải, trong đêm ngày 5-2, có hàng loạt tàu vận tải nhập cảng như: Oriental Gulf II, Iris Express, Ever Emple. Những con tàu này đều có đường đi, từng cập cảng Rizhao, Đài Loan (Trung Quốc). 64 thủy thủ trên 3 con tàu này thì có 64 thuyền viên Trung Quốc.

Ban quản lý Cảng từ bảo vệ, đến nhân viên đều đeo kín khẩu trang trắng. Văn phòng là nơi các nhân viên phải liên tục tiếp đón khách đến làm việc, hoạt động giao tiếp diễn ra thường xuyên, vì vậy khẩu trang không bao giờ rời mặt. Những giọng nói bị giảm âm phía sau tấm vải nên người giao tiếp phải cố gắng lắng nghe. Mọi người ở đây chắc chắn đã có ý thức cao hơn so với các cơ quan khác ở thành phố biển, bảo vệ mình chính là bảo vệ cộng đồng và người thân ở thành phố biển.

Các sĩ quan biên phòng liên tục phát đi cảnh báo, nhắc nhở các thủy thủ chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Các sĩ quan biên phòng liên tục phát đi cảnh báo, nhắc nhở các thủy thủ chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Chiều tối 4-2, tàu vận tải Oriental Gulf II cập cảng và neo đậu tại cầu cảng số 1. Toàn bộ 18 thủy thủ đoàn đều mang quốc tịch Philippines. Tuy nhiên, con tàu này có lai lịch hành trình ghé qua cảng ở Trung Quốc. Vì vậy thông lệ làm thủ tục để vào Cảng Quy Nhơn phải thay đổi. Lúc 16 giờ chiều ngày 4-2, bộ phận y tế và kiểm dịch được tàu nhỏ đưa ra phao số 0 để tiếp cận con tàu đến từ vùng dịch. Thủ tục đầu tiên là kiểm tra sức khỏe, thân nhiệt, sơ vấn, thông báo những quy định khi cập cảng Quy Nhơn và đến tất cả các cảng biển khác của Việt Nam. Tiếp sau đó là hoa tiêu lên tàu để cùng nắm quyền điều khiển, đưa tàu cập cảng.

Lượng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn để xuất sang thị trường Trung Quốc nhiều nhất vẫn là dăm gỗ, viên nén sinh khối. Công ty TNHH MTV Hào Hưng là bạn hàng truyền thống, có lượng dăm gỗ xuất sang Trung Quốc nhiều nhất. Trong năm 2019, đơn vị này xuất khoảng 2 triệu tấn dăm gỗ qua Cảng Quy Nhơn. Tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Cảng tổng hợp Hào Hưng cũng xuất đi hơn 2 triệu tấn. Tàu Iris Express cập cảng Quy Nhơn vào ngày 6-2, trên tàu có 23 thủy thủ người Trung Quốc sẽ nhập khoảng 18.000 tấn dăm gỗ tươi, sau đó di chuyển sang Cảng tổng hợp Hào Hưng ở Quảng Ngãi để bốc tiếp dăm gỗ. Thị trường Quảng Ngãi là địa bàn có nguồn cung khá tốt mặt hàng này.

Trên đất liền, mặt hàng nông sản bị đình trệ và các chủ hàng phải bán tháo dưa hấu theo giá bán lẻ và mới được thông thương trở lại theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Còn con đường trên biển thì vẫn thông thương liên tục. Tuy nhiên, các tàu cập cảng phải chấp hành quy định “rắn” đối với các tàu từng ghé qua cảng biển ở Trung Quốc - đó là “tàu đến nhưng người không được xuống”.

 Phóng viên tác nghiệp tại các tàu đến từ vùng dịch phải thay quần áo ngay sau khi rời tàu.

Phóng viên tác nghiệp tại các tàu đến từ vùng dịch phải thay quần áo ngay sau khi rời tàu.

Tại chân cầu thang tàu Oriental Gulf II, neo tại cầu cảng số 1, Thiếu tá biên phòng Nguyễn Văn Diện và các đồng nghiệp chịu cái nắng nóng thiêu đốt để “gác cầu thang” tàu. Những con tàu này phải co cầu thang dây cách mặt đất 2 mét và người lên tàu phải chịu sự kiểm soát kỹ, đưa vào sổ theo dõi, lên xuống tàu phải sục tay vào nước pha thuốc tẩy trùng floramin. Nắng nóng là “điềm tốt” để hạn chế lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khi ánh nắng mặt trời vừa tắt thì lập tức không khí lạnh lại ùa về.

Phó Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn Nguyễn Thành Nam tiếp phóng viên và bỏ thông lệ cũ, đó là không bắt tay, khẩu trang không rời mặt, không cung cấp thông tin trực tiếp. Trả lời câu hỏi về việc “đơn vị sẽ bảo đảm an toàn cho hàng trăm công nhân đang làm việc trực tiếp bên cạnh các tàu đến từ Trung Quốc như thế nào?” được lãnh đạo cảng Quy Nhơn xin nhận câu hỏi qua email với vẻ thận trọng. Phóng viên đặt câu hỏi này cũng đưa ra ý kiến, “nhằm để đơn vị lưu tâm và bảo vệ người lao động, để mọi người không ngừng nâng cao cảnh giác”.

Một giờ ở cảng Quy Nhơn, phỏng vấn nhiều người, từ Bộ đội biên phòng, đến nhân viên y tế, bảo vệ, công nhân… mới hiểu rằng, sự cảnh giác quá thái đôi khi cũng làm cho người ta bi quan, tự sinh bệnh. Anh Hồ Hữu Trung Tân, cán bộ đại lý tàu biển trước khi bước xuống để làm thủ tục cho tàu Bao Li Hang đưa tay lên xoa cổ và chia sẻ: “Lo lắng quá cũng khiến mình tự huyễn hoặc rằng mình đang bị trục trặc gì đó trong đường hô hấp? Có thể bị mắc bệnh? Nhưng bình tâm lại thì thực ra sức khỏe vẫn tốt. Đại lý là một trong những thành phần phải tiếp cận trực tiếp với các thủy thủ đoàn nên tâm lý cũng lo, nhưng giờ phút này phải chấp nhận những rủi ro từ nghề nghiệp”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

* Lực lượng bảo vệ được tăng cường gần chục nhân viên tại cổng cảng Quy Nhơn. Anh Cao Xuân Đông, nhân viên bảo vệ cho biết, “tôi luôn mang theo hộp khẩu trang để thay và quy định thì 4 giờ đồng hồ thay khẩu trang 1 lần”. Anh Lê Phúc, cán bộ của cảng cho biết “bản thân không lo lắng, nhưng sợ người khác ý thức kém, không đeo khẩu trang, lân la chỗ đám đông khi không cần thiết, nếu ai cũng có ý thức như mình thì không sợ”.

L.V.C

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_219998_mot-gio-o-cang-quy-nhon.aspx