Một số vấn đề pháp lý liên quan hoạt động của doanh nghiệp trong dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Dịch bệnh này không chỉ gây ra những vấn đề về sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sự phát triển kinh tế và quan hệ giao dịch, hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Dịch bệnh này không chỉ gây ra những vấn đề về sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sự phát triển kinh tế và quan hệ giao dịch, hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều hợp đồng mua bán ngoại thương đã bị dừng lại, nhiều mặt bằng kinh doanh bị hủy bỏ hợp đồng thuê trước thời hạn... Theo các quy định pháp luật, dịch Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng (SKBKK) trong một số giao dịch, hợp đồng nhưng cũng có thể được coi là một trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong một số giao dịch, hợp đồng khác. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều dẫn tới những hậu quả pháp lý cho các bên là có thể thay đổi lại nội dung hợp đồng, thậm chí là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hậu quả kinh tế là một bên hoặc cả hai bên cùng đều thiệt hại.

Nhiều hợp đồng có điều khoản BKK hiện hữu. Bên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần xem xét kỹ lại các điều kiện của điều khoản này để xác định khả năng áp dụng nó trong trường hợp của mình. Ðối với những hợp đồng không có điều khoản BKK thì bên bị ảnh hưởng có thể viện dẫn tới quy định tại Ðiều 156 của Bộ luật Dân sự năm 2015: "SKBKK là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Quy định này cũng có nhiều điểm tương tự với các điều khoản mẫu về SKBKK trong các hợp đồng. Tóm lại, các điều kiện về SKBKK thường có các yêu cầu cơ bản sau: Xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được; không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trong khi đó, tình huống hoàn cảnh thay đổi cơ bản thường không được quy định tại các hợp đồng mà áp dụng theo quy định pháp luật. Ðây cũng là trường hợp mà các bên không thể lường trước được hoàn cảnh bị thay đổi khi thực hiện hợp đồng. Hoàn cảnh này khác biệt hẳn so với lúc đàm phán và ký kết hợp đồng. Nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không sửa đổi nội dung hợp đồng thì một bên bị thiệt hại nghiêm trọng. Tùy theo từng nội dung hợp đồng, thời điểm ký kết hợp đồng và nhận thức của các bên về dịch Covid-19 và mong muốn của các bên, các bên có thể lựa chọn áp dụng tình huống này sao cho có lợi đối với các bên.

Dù là vận dụng SKBKK hay hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên muốn thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng phải có trách nhiệm chứng minh: Dịch Covid-19 xảy ra hoặc các hành động liên quan phòng, chống dịch là ảnh hưởng việc thực hiện hợp đồng, là khách quan và không thể lường trước được khi ký kết hợp đồng. Thí dụ, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng sức khỏe người lao động, sức mua hàng trên thực tế hoặc yêu cầu cách ly xã hội của cơ quan nhà nước dẫn đến doanh nghiệp không thể tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ; và bên bị ảnh hưởng đã chủ động tìm mọi biện pháp để khắc phục khó khăn này (như chủ động phòng dịch để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đã thử nghiệm phương thức bán hàng trực tuyến để tăng cường sức mua, chủ động xây
dựng phương án làm việc tại nhà...).

Để hạn chế rủi ro pháp lý từ việc thực hiện hợp đồng trong giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp cần lưu ý là việc tự ý thay đổi, chấm dứt hợp đồng với lý do dịch Covid-19 là một SKBKK hay hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì cần phải dựa vào các căn cứ pháp luật và các hành động cụ thể. Doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu về các văn bản của Nhà nước về phòng, chống dịch để có kế hoạch khắc phục thiệt hại. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có được phương án phù hợp để sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” nêu rõ: Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên đó không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu biết trước thì bên bị ảnh hưởng đã không ký hợp đồng; việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép nhưng không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang

(Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/44112502-mot-so-van-de-phap-ly-lien-quan-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-trong-dich-covid-19.html