Một thế hệ chết chìm giữa biển thông tin
Chúng ta đều biết khả năng phân biệt thật - giả vốn là nền tảng của nhận thức và hành động. Nhưng một thực tế đáng báo động hiện nay là thế hệ trẻ đang mất khả năng phân biệt sự thật. Công nghệ hiện đại không chỉ đem đến khả năng tiếp cận thông tin khổng lồ mà sự thao túng tinh vi của những 'thuật toán quyền lực' còn để lại hệ lụy với cả một thế hệ.
Bẫy tối ưu hóa và sự thỏa hiệp của tư duy
Sự hình thành vấn đề này bắt nguồn từ chính cơ chế vận hành của thế giới số hiện đại. Các nền tảng truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm, thậm chí cả các trang tin tức trực tuyến, đều phụ thuộc vào những thuật toán phức tạp. Mục tiêu tối thượng của những thuật toán này là “tối đa hóa thời gian người dùng”. Chính vì vậy, những thuật toán không còn trung lập.
“Chúng được thiết kế để thu hút sự chú ý của bạn, giữ bạn kéo dài thời gian trên màn hình, và tối đa hóa doanh thu quảng cáo", Tiến sĩ Cathy O'Neil, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Vũ khí hủy diệt của thuật toán" đã chỉ rõ. Để đạt được điều này, các thuật toán đã trở thành những "nhà tiên tri kỹ thuật số", liên tục phân tích hành vi, sở thích, cảm xúc của người dùng nhằm đạt được mục đích của mình.

Tiếp cận công nghệ sớm đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Những kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu ứng “buồng vang” (echo chamber) và “bong bóng lọc” (filter bubble) đã được các nhà lập trình áp dụng để chỉ cho người dùng thấy những gì họ “có khả năng đồng ý hoặc quan tâm” dựa trên lịch sử hành vi trước đó. Một nghiên cứu của Đại học Oxford năm 2021 cho thấy 64% người dùng internet trên toàn cầu thừa nhận các thuật toán chỉ cho họ thấy tin tức phù hợp với quan điểm hiện có của họ.
Đối với giới trẻ, những người chưa định hình thế giới quan và thường có xu hướng tìm kiếm sự xác nhận từ xung quanh, hiệu ứng này càng mạnh mẽ. Việc các thuật toán chỉ cho họ tiếp cận một phiên bản thực tại đã được “đóng khung”, nơi thông tin đối lập, quan điểm đa chiều bị loại bỏ khiến cho họ bị mất đi khả năng tự nhận thức hay tư duy phản biện. Sự đa dạng trong tư duy sẽ dần bị thay thế bằng sự thống nhất dễ chịu nhưng nguy hiểm.
Trong khi đó, tốc độ lan truyền chóng mặt của thông tin trong kỷ nguyên số tạo ra áp lực "phải biết ngay, phải chia sẻ ngay" lên tất cả người dùng. Bối cảnh xã hội hiện đại đề cao sự nhanh nhạy, tức thời khiến cho việc dừng lại để kiểm chứng, suy ngẫm trở thành một "gánh nặng" trong dòng chảy không ngừng nghỉ. Não bộ con người, đặc biệt là não bộ đang phát triển của giới trẻ, dễ dàng bị quá tải trước lượng thông tin khổng lồ. Trong tình trạng đó, các thông tin giật gân, cảm tính, gây sốc hoặc củng cố định kiến sẵn có thường có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với thông tin chính xác, cân bằng nhưng khô khan, phức tạp. Thuật toán, với sứ mệnh giữ chân người dùng, sẽ ưu tiên phân phối những loại thông tin này.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ở trong "buồng vang" của thuật toán quá lâu không chỉ dẫn thiếu hụt thông tin đa chiều, nó còn dẫn đến một diễn biến nguy hiểm là “sự xói mòn niềm tin vào các thể chế truyền thống” và “sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi cực đoan”. Khi thuật toán liên tục củng cố một thế giới quan duy nhất, bất kỳ thông tin nào đi ngược lại nó đều dễ dàng bị gắn mác "sai lệch", "thiên vị" hoặc "thuộc về âm mưu nào đó". Các nguồn tin chính thống, các chuyên gia, các cơ quan báo chí uy tín dần mất đi độ tin cậy trong mắt một bộ phận giới trẻ, bởi họ đã quen với một chế độ “thông tin khác biệt” được thuật toán cung cấp.
Cùng với thông tin sai lệch, thuyết âm mưu được thiết kế để lan truyền nhanh chóng nhằm lấp đầy những khoảng trống còn lại. Chúng thường khai thác cảm xúc mạnh (sợ hãi, giận dữ, bất bình) đơn giản hóa vấn đề phức tạp, và có vẻ như "giải thích" được những điều khó hiểu. Một báo cáo của tổ chức Avaaz năm 2020 chỉ ra rằng nội dung sai lệch trên Facebook có tỷ lệ tương tác cao gấp 4 lần so với nội dung chính xác.
Thuật toán, vốn chỉ quan tâm đến tương tác, đã trở thành trợ thủ đắc lực phát tán những thông tin độc hại này đến đúng đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất thường là những người trẻ. Hệ quả là một thế hệ trẻ bị phân mảnh sâu sắc. Họ có thể cùng sống trong một quốc gia, một thành phố, nhưng lại tồn tại trong những "vũ trụ thông tin" hoàn toàn khác biệt, với những "sự thật" riêng rẽ. Sự đồng thuận xã hội, nền tảng cho sự phát triển ổn định, trở nên mong manh.
Một tương lai bất ổn
Hậu quả của việc mất khả năng phân biệt sự thật lan tỏa trên nhiều cấp độ. Ở cấp độ cá nhân, giới trẻ đối mặt với nguy cơ suy giảm năng lực tư duy phản biện và ra quyết định độc lập. Khi không thể đánh giá độ tin cậy của thông tin, họ dễ dàng trở thành con mồi của các chiêu trò lừa đảo, bị ảnh hưởng bởi các quan điểm cực đoan, hoặc đưa ra những lựa chọn cá nhân. Sức khỏe tinh thần cũng bị đe dọa bởi sự lo lắng, hoang mang trước một thế giới dường như hỗn loạn với những mối đe dọa được thổi phồng.

Thời đại kỹ thuật số khiến bộ não con người dễ rơi vào tình trạng bội thực thông tin.
Ở cấp độ xã hội, sự phân cực sẽ gia tăng. Khi các nhóm người trẻ tin vào những "sự thật" sai lầm, đối thoại trở nên bất khả thi, thay vào đó là sự quá khích dẫn đến đối đầu và thù hận. Niềm tin vào khoa học, vào các thể chế dân chủ, vào báo chí chính thống bị suy giảm nghiêm trọng. Tiến sĩ Britt Pariser, tác giả cuốn "Bong bóng lọc: điều internet đang che giấu bạn" từng cảnh báo: "Sự xói mòn niềm tin vào các nguồn thông tin chung là một mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ".
Từ sự mất niềm tin này, khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu hay đại dịch bị cản trở. Lịch sử đã chứng kiến những hậu quả thực tế, từ làn sóng phản đối vắc-xin dựa trên thông tin sai lệch, đến những cuộc bạo loạn như sự kiện Điện Capitol ở Mỹ năm 2021, tất cả đều được thúc đẩy bởi các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội.
Đi tìm giải pháp
Một thế giới thiếu chuẩn mực, thiếu niềm tin chắc chắn không phải là điều mà chúng ta muốn thế hệ trẻ bước vào. Nhưng để đối mặt với thách thức mang tính hệ thống này, chúng ta cũng cần đến những giải pháp đa diện, đến từ nhiều phía. Vũ khí mạnh nhất để giải quyết vấn đề tư duy vẫn luôn là giáo dục. Các chuyên gia đã đề xuất tích hợp các Chương trình giáo dục về Truyền thông và Thông tin (MIL) vào bậc học từ phổ thông để dạy học sinh cách phân tích và kiểm chứng thông in. Giáo sư Sam Wineburg, đến từ Đại học Stanford, người sáng lập dự án Civic Online Reasoning, nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chỉ dạy trẻ em đọc, chúng ta phải dạy chúng đọc thế giới kỹ thuật số”.
Các nền tảng công nghệ cũng cần phải có trách nhiệm hơn. Không chỉ yêu cầu bắt buộc về sự minh bạch, họ cần được giám sát để đưa thông tin chất lượng và đúng đắn. Đây là vấn đề mà các thể chế nhà nước cần phải vào cuộc. Các tập đoàn công nghệ không thể được phép “muốn làm gì thì làm” chỉ vì mục đích lợi nhuận của mình. Lợi nhuận phải đi kèm với trách nhiệm cộng đồng. Đồng thời với việc kiểm soát mạng xã hội, truyền thông số của báo chí chính thống cũng cần được đẩy mạnh để thu hút giới trẻ, tạo kênh soi chiếu để xây dựng tư duy phản biện cho người đọc.

Những buồng vang và lồng bong bóng ngăn giới trẻ có cái nhìn đa diện về thế giới.
Ở góc độ gia đình, phụ huynh cần đồng hành cùng con cái trong thế giới số, thảo luận cởi mở về thông tin trực tuyến, khuyến khích tư duy phản biện. Mỗi cá nhân trẻ cũng cần tự giác rèn luyện thói quen tiêu thụ thông tin tích cực. Cần phải biết kiểm tra nguồn gốc, đa dạng hóa nguồn tin mình tiếp cận, và chủ động "thoát khỏi buồng vang" bằng cách tìm kiếm các quan điểm khác biệt một cách có chủ đích. Tự kiểm soát chính mình, đó chính là quá trình làm chủ nhận thức.
Những "thuật toán quyền lực” không xấu, chúng được thiết kế để phục vụ con người. Chính việc lạm dụng những công cụ này cho mục đích tìm kiếm lợi nhuận mới đem đến những hệ quả xấu. Một cách âm thầm, chúng đang định hình cách một thế hệ trẻ nhìn nhận và tương tác với thế giới, đe dọa tước đi khả năng cốt lõi nhất của con người: phân biệt sự thật.
Để ngăn chặn viễn cảnh một thế hệ "mất khả năng phân biệt sự thật", chúng ta cần những nỗ lực cộng đồng. Chỉ khi đó, thế hệ trẻ mới thực sự trở thành những công dân số tự do, sáng suốt và kiến tạo, chứ không phải là những con tin trong những "buồng vang" do thuật toán định hình. Tương lai của sự thật, hay chính là tương lai của thế giới phụ thuộc vào hành động của chúng ta hôm nay.