Một trái tim ngừng đập, nhiều cuộc đời hồi sinh

Từ nguồn tạng hiến của một thanh niên chết não, bốn cuộc đời đã hồi sinh sau khi ghép tạng thành công.

Hồi sinh từ nguồn tạng hiến

Trung tuần tháng 5, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công bốn ca ghép tạng. Người hiến tim, gan và 2 quả thận là nam giới trẻ tuổi, chết não sau TNGT.

Ê kíp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép tim từ nguồn hiến của người chết não, giúp hồi sinh sự sống cho nữ bệnh nhân suy tim nặng.

Trong 4 ca ghép này, có cuộc đại phẫu ghép tim cho một cho nữ bệnh nhân 39 tuổi, được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối. Cách đây 5 năm, bệnh nhân được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái để chờ đợi cơ hội ghép tim.

BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, phẫu thuật viên chính của kíp ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Trước ghép, bệnh nhân sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy, đồng nghĩa với việc nếu hệ thống ngừng hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong".

Theo BS Hải, sau phẫu thuật, bệnh nhân ghép tim tiếp xúc tốt, đã rút nội khí quản, tự thở. Các bệnh nhân ghép gan, ghép thận cũng hồi phục tốt, chức năng gan, thận đang cải thiện và tiếp tục được theo dõi và chăm sóc, điều trị 24/24h.

Trước đó ít ngày, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã ghép gan thành công cho nữ bệnh nhân đang hôn mê, suy gan tối cấp, suy thận, sự sống chỉ còn tính bằng giờ.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim. Vì vậy, những ca ghép mô, tạng được hiến tặng từ người chết não, ngừng tim trong thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại cuộc đời mới cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sống lay lắt chờ được ghép tạng.

Nguồn hiến còn khiêm tốn

Những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023. Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy với hơn 1 nghìn ca ghép mỗi năm.

Đến 31/12/2023, tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam là 8.302 ca, nhiều nhất là vào năm 2022 (1.004 ca) và năm 2023 (1.002 ca). Tuy nhiên, 95% là ghép mô tạng từ người hiến sống, các ca ghép từ người hiến chết tim, chết não lại rất khiêm tốn với 400 ca, chiếm 5%.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay chỉ hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15. So với Tây Ban Nha là 49 - nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới, nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm.

Một người có thể cứu được 10 người

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân không còn lựa chọn điều trị nào khác".

Bà Tiến cho biết, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn và ngày càng tăng, nhưng nguồn hiến lại rất hiếm. Số người đăng ký hiến tạng và số người chết não, ngừng tim hiến tạng thấp nhất thế giới, đạt 0,1 người/1 triệu dân.

"Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất là sau khi từ giã cõi đời vẫn còn cứu sống nhiều người", bà Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chúng ta đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng. Tuy nhiên, nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến, hàng chục nghìn người bệnh vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi và hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo.

"Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8-10 người khác, giúp giảm gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái", bà Lan chia sẻ.

Thủ tướng đăng ký hiến tạng

Sáng 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi".

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nhấn mạnh, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Bên cạnh những thành tựu rất đáng trân trọng, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Mặt khác, hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người hiến. Người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp.

Phát huy truyền thống "tương thân tương ái", với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng.

"Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng xã hội nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng phát biểu và cho biết, cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến tạng trên cả nước.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mot-trai-tim-ngung-dap-nhieu-cuoc-doi-hoi-sinh-19224052322035045.htm