Một vài chấm phá trong bức tranh đời tư của Bác

Mỗi chúng ta đều có một nhu cầu từ trái tim mình là yêu thương Bác nên muốn hiểu Bác rõ ngọn nguồn hơn. Tuy nhiên chuyện riêng tư của Bác với tư cách là một con người bằng xương, bằng thịt cũng có niềm vui, hạnh phúc thì chúng ta chưa có điều kiện hiểu thấu đáo, tư liệu về vấn đề này cũng rất ít và không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Đời Bác ngay từ tuổi thơ đã chịu những bi kịch, đau đớn, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân bị áp bức bóc lột. Tuy phụ thân làm quan trong triều Nguyễn, phụ trách công tác giáo dục nhưng vì liêm khiết, cương trực nên triều đình không tin dùng, thường đày ải xa, ngay cả khi vợ mất, cụ vẫn đang ở núi rừng Thanh Hóa nên cuộc sống của Bác cũng bần hàn, khổ cực. Đặc biệt, trong gia đình Bác, mỗi người một nơi và chỉ có Bác Hồ là người sống thọ nhất (79 tuổi); mẹ Bác mới 33 tuổi đã mất, bà mất đúng vào dịp tết (22 tháng Chạp), khi ấy Bác mới 10 tuổi. Lúc mẹ mất, chỉ có Bác và đứa em nhỏ mới 4 tháng tuổi ở bên cạnh. Khi ấy, Bác phải mua thuốc về cho mẹ, xin cháo về cho em. Cả 3 mẹ con sống trong ngôi nhà nhỏ ở khu ngoại ô thành phố Huế. Tang lễ của bà được hàng xóm làm giúp chứ Bác còn nhỏ chưa biết lo hậu sự. Sau đó Bác chứng kiến cái chết của em. Bà nội Bác là cụ Hà Thị Hy cũng mất từ rất sớm (32 tuổi); chị gái Bác là bà Thanh sống được 70 tuổi, bà mất vào đúng năm 1954, khi đó Bác đang chỉ đạo chiến dịch Điện Biên phủ; ông anh Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm) chỉ thọ 60 tuổi, mất đúng dịp chiến dịch biên giới 1950; bố của Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc, thọ 67 tuổi, mất năm 1929, lúc Bác đang ở nước ngoài chuẩn bị thành lập Đảng ta.

Mẹ mất thì nằm ở Huế; bố nằm mãi Cao Lãnh, Đồng Tháp xa xôi mà chưa 1 lần Bác đến; anh một nơi, chị một nơi. Anh trai, chị gái đều không có gia đình. Nên khi chúng ta hỏi, thưa Bác quê Bác ở đâu? Bác trả lời: Mình sinh ra ở Nam Đàn, mẹ lại mất ở Huế, bố mất ở Cao Lãnh, anh, chị mỗi người một nơi nên quê hương Bác trải dài khắp đất nước.

Một điểm nữa trong cuộc đời Bác chúng ta chứng kiến đó là: Bác không có gia đình riêng, không vợ, không con. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Lao động Vũ Đình Tùng, Bác chia sẻ: Tôi không có vợ, có con, nhưng nam nữ thanh niên cả nước đều là con của tôi; ngài mất đi một đứa con thì cũng như tôi đứt đi một khúc ruột (con trai của cụ Vũ Đình Tùng tử trận trong kháng chiến). Chúng ta hiểu Bác toàn tâm, toàn ý với dân, với nước chứ không có một chút riêng tư. Đấy là sự hy sinh cao cả và có chủ đích. Hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cả cuộc sống để vì dân, vì nước. Và phần lý do nữa cũng tại chúng ta, vì chúng ta cứ thần thánh hóa Bác nên không bao giờ nghĩ Bác cần có cuộc sống riêng tư đúng nghĩa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là những người rất thương Bác, rất quan tâm, lưu ý, kỳ công, cố tạo cho Bác một cuộc sống riêng tư (tìm cách để Bác lấy vợ); thế nhưng, khi muốn gặp những người phụ nữ đó toàn bị phản đối, các tướng lĩnh dưới quyền của Tướng Giáp đều phản đối, hỏi sao anh lại nghĩ vậy? Bác nhiều tuổi rồi, không thể lấy vợ được (lúc đó Bác 60 tuổi). Chúng ta cứ nghĩ Bác là của cả dân tộc nên Bác không thể lấy vợ được. Suy nghĩ của chúng ta rất trong sáng, nhưng cũng rất vô lý, vì chẳng có lý gì mà Bác không thể lấy vợ. Sau này chúng ta nghĩ lại, thương Bác nhưng khi ấy đã muộn.

Trước những phản ứng của cấp dưới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời rất con người: Các anh nghĩ vậy là sai rồi, Bác cũng là con người, cũng như chúng ta, tại sao chúng ta có vợ, có con, có hạnh phúc gia đình còn Bác lại không. Chúng ta yêu thương Bác không phải lối, không phải cách lại thành ích kỷ. Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi mất tâm sự: Không tìm được bạn đời cho Bác đó là điều ân hận lớn của chúng tôi, nhiều đêm Bác và Thủ tướng ngồi cho cá ăn bên bờ ao, kể chuyện cho nhau nghe mà khóc. Ngay cả khi mời Bác về ở nhà sàn, có hai phòng Bác chỉ ở một, còn một Bác nhường chú Tô (Phạm Văn Đồng).

Có một chi tiết là khi chúng ta muốn Bác có gia đình, Bác bảo cả nước gọi Bác là Bác thì Bác lấy ai bây giờ? Tổng Bí thư Lê Duẩn giảng bài lý luận cho cán bộ cao cấp mà lại giảng đúng vào bài đại đoàn kết, đây là chủ đề máu thịt của Bác. Mới dẫn một câu: Thuận vợ, thuận chồng bể Đông tát cạn; thuận bè, thuận bạn tát cạn bể Đông. Bác đứng lên ngay, Bác chỉ mỗi một mình thôi, Bác biết thuận với ai ở đây bây giờ. Bác là người như thế chứ đừng nghĩ Bác là thần thánh.

Còn nữa…

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/media-bhg/201908/mot-vai-cham-pha-trong-buc-tranh-doi-tu-cua-bac-749066/