MTTQ huyện Lâm Bình phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Lâm Bình đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống dân sinh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình cho biết: Chương trình, kế hoạch giám sát được Ủy ban MTTQ huyện chủ động xây dựng ngay từ đầu năm để tham mưu cho Huyện ủy và triển khai đến các cấp MTTQ cơ sở; đồng thời tăng cường phối hợp với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ký kết chương trình giám sát với nội dung bám sát tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương. Trong đó, MTTQ lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp tình hình với thực tiễn của địa phương để làm “cầu nối” phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị chính đáng của người dân, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hội nghị phản biện đối với dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Lâm Bình năm 2020.

Hội nghị phản biện đối với dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Lâm Bình năm 2020.

Trong năm 2019, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã tổ chức 6 cuộc giám sát bao gồm: Giám sát việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến thám gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới; giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không có tính chất xây dựng cơ bản; việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định 116.

Tại cuộc giám sát về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để phát huy được sức dân, nâng cao trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới thì cũng còn một số tồn tại hạn chế. Đoàn giám sát đã đề nghị các địa phương cần xây dựng lộ trình cho việc thực hiện các tiêu chí đạt thấp như môi trường, thu nhập… một cách phù hợp; quan tâm thực hiện các mô hình kinh tế theo hướng trang trại, gia trại. Đồng thời, có biện pháp tổ chức liên kết sản xuất bền vững. Cùng với đó, đối với một số tiêu chí dễ đạt nhưng cũng dễ mất như đảm bảo an ninh trật tự thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức, đoàn thể ở thôn, bản cần làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động hội viên.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện giám sát việc thức hiện các chính sách hỗ trợphát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.

Chị Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ, thông qua giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, đã cho thấy bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách thì tại một số địa phương trong huyện vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng. Đoàn giám sát đã có các kiến nghị đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phổ biến các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn bản để người dân thường xuyên được tiếp cận.

Cùng với hoạt động giám sát, MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội còn tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; các dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Mới đây, MTTQ huyện đã chủ trì tổ chức Hội nghị phản biện đối với dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện năm 2020 do UBND huyện soạn thảo. Theo đó, đã nhiều ý kiến góp ý để UBND huyện xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế địa phương như: Việc phát triển kinh tế cần bổ sung việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; tính toán lại sản lượng lương thực toàn huyện cho sát với với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị UBND huyện tổ chức sơ kết, đánh giá Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển một số cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế trên địa bàn để rút kinh nghiệm, bàn bạc thêm các định hướng phát triển cho thời gian tiếp theo. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện vào dự thảo. Từ đó, làm căn cứ để UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho phù hợp nhất.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội; kết hợp liên thông 3 nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng cường giám sát qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/mttq-huyen-lam-binh-phat-huy-vai-tro-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-124216.html