Mùa đi xây ước mơ

Mùa Hè, nhiều câu lạc bộ, đội nhóm triển khai các hoạt động xóa cầu tạm, xây nhà vệ sinh, xây trường tại các điểm trường vùng khó...

Cô và trò ở điểm trường Lăng Lương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Ảnh: Trà Thu

Cô và trò ở điểm trường Lăng Lương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Ảnh: Trà Thu

Trường đẹp cho em

Những ngày cuối năm học 2023 - 2024, thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tất bật hơn để chuẩn bị điều kiện cho lễ khởi công xây dựng điểm trường Lấp Loa. Hai phòng học ở Lấp Loa hiện nay được dựng bằng gỗ, nền nhà lát gạch, có cả nhà công vụ cho giáo viên.

Tuy nhiên, do nằm trên đỉnh đồi, trường nhiều lần bị tốc mái, sập la phông do gió xoáy. Qua nhiều lần sửa chữa đã ảnh hưởng đến kết cấu của phòng học, không còn kiên cố như ban đầu. Cột trụ, kèo đã không còn chắc chắn, phên gỗ bắt đầu có dấu hiệu xiêu vẹo...

Chính vì vậy, câu lạc bộ Từ thiện Minh Tâm (TP Hồ Chí Minh) quyết định hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để xây dựng trường theo hướng kiên cố, đúc bằng bê tông cốt thép chịu được mưa bão, lũ quét… Điểm trường Lấp Loa sẽ được xây mới 2 phòng học đạt chuẩn, nhà vệ sinh và phòng công vụ cho giáo viên, có cả nhà bếp.

Ban giám hiệu nhà trường đã đề xuất với chính quyền, cần chuyển địa điểm xây dựng trường sang khu vực gần đó. Theo thầy Phương, thay đổi này có thể mở rộng diện tích trường, làm thêm sân chơi và cũng tránh vị trí hứng gió lốc như vị trí của điểm trường hiện tại. Tuy nhiên, nếu thay đổi phải có thêm kinh phí để đền bù đất vườn cho một số hộ dân xung quanh.

Đường đến với điểm trường Lấp Loa tuy không nhiều trắc trở như một số điểm trường thôn của xã Trà Tập nhưng vẫn còn có khoảng 2 cây số đường đất. “Trời nắng thì xe cơ giới có thể vào đến tận trường nhưng khi mưa xuống, xe máy vào còn khó vì đường trơn trượt.

Vì vậy, nhà trường bàn với đơn vị thi công phải tranh thủ những ngày nắng để tập kết vật liệu dứt điểm. Mùa Hè, gần như chiều nào núi rừng Trà Tập cũng mưa. Vì thế, đội thợ chỉ có thể tập trung làm việc vào buổi sáng. Và cũng phải lựa thời tiết để che chắn nhằm đảm bảo xi măng, vữa không bị trôi đi”, thầy Phương cho biết.

Cũng trong mùa Hè này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập còn có 2 điểm trường khác là Lăng Lương và Răng Chuỗi được xây dựng kiên cố hóa với quy mô 1 phòng học, 1 phòng ở và bếp cho giáo viên. Kinh phí xây dựng cho mỗi điểm trường khoảng 600 triệu đồng từ nguồn vận động của câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My.

Ngoài ra, từ các nguồn đóng góp, cựu học sinh khóa 39 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa khởi công xây dựng một trong những điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn của Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Công trình điểm trường lẻ có quy mô 2 phòng học cho khoảng 60 học sinh, 1 phòng giáo viên và 1 khu vệ sinh, tường rào, sân trường… Dự kiến chi phí đầu tư khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng và sẽ bàn giao công trình vào tháng 6/2024.

Phòng học của lớp mẫu giáo tại thôn Ông Phụng, xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: CLB Bạn thương nhau

Phòng học của lớp mẫu giáo tại thôn Ông Phụng, xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: CLB Bạn thương nhau

Phòng học điểm trường Ông Phụng đã xuống cấp. Ảnh: CLB Bạn thương nhau

Phòng học điểm trường Ông Phụng đã xuống cấp. Ảnh: CLB Bạn thương nhau

Chạy đua cùng mùa Hè

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng đồng thời là Chủ nhiệm câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My. Mùa Hè 2024 trở nên bận rộn hơn với thầy Vỹ khi cùng một lúc phải tham gia giám sát 4 công trình xây dựng từ nguồn vận động, kết nối.

Trong đó, công trình xây dựng kiên cố 2 phòng học, 1 phòng công vụ ở điểm trường thôn 5 Takchai thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang cùng công trình vệ sinh khép kín đã được khởi công từ giữa tháng 5. Đội thợ đang chạy đua với thời tiết của vùng núi Nam Trà My để kịp hoàn thành trước khi mùa mưa giông đến.

Với những điểm trường được xây dựng kiên cố hóa trong mùa Hè này của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, thầy Lê Huy Phương cho biết, chủ trương là sẽ hạn chế vận động người dân tham gia đóng góp ngày công.

“Vì các công trình cần phải được đẩy nhanh tiến độ trước khi mùa mưa kéo về nên sẽ tối đa cơ giới hóa ở các khâu có thể sử dụng máy móc. Nếu ở công đoạn nào cần nhiều nhân công thì mới nhờ đến bà con thôn bản hỗ trợ. Bà con cũng phải làm ăn, nếu huy động nhân lực tại chỗ thì tốn rất nhiều ngày công mà lại kéo dài thời gian thi công”, thầy Phương thông tin.

Ngoài cây cầu treo dân sinh tại thôn 4 của xã Trà Cang vừa khánh thành và đưa vào sử dụng, trong mùa Hè này, còn có thêm 2 công trình cầu treo dân sinh sẽ được khởi công. Kinh phí xây dựng từ nguồn vận động của câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My.

Thầy Vỹ cho biết: “Những địa điểm mà chúng tôi chọn để xây cầu đều là những nóc, làng xa trung tâm xã. Bà con chủ yếu đi lại bằng lối mòn. Từ các nguồn vận động, chúng tôi xây dựng cầu treo kiên cố thay thế những chiếc cầu tạm bằng tre nứa, ống sắt hiện có của đồng bào”. Mỗi cuối tuần, khi từ khu nội trú trở về, học sinh sẽ không còn cảnh ngồi bên này suối chờ nước lũ rút để về nhà.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam đang thống kê lại danh sách học sinh giỏi vượt khó để khảo sát thực tế nhằm hỗ trợ xây nhà cho một học sinh. Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ các nguồn vận động, nhà trường sẽ chọn một học sinh giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ xây một căn nhà kiên cố.

Trong đó, bắt buộc gia đình phải dành riêng cho học sinh một góc học tập, tách khỏi không gian sinh hoạt chung của cả nhà. Có góc học tập riêng, các em sẽ được nhà trường hướng dẫn duy trì thời gian biểu học tập như ở khu nội trú của trường để rèn ý thức, nền nếp”.

Khảo sát đoạn đường vào điểm trường Lấp Loa để lên phương án vận chuyển vật liệu xây dựng. Ảnh: NTCC

Khảo sát đoạn đường vào điểm trường Lấp Loa để lên phương án vận chuyển vật liệu xây dựng. Ảnh: NTCC

Điểm trường thôn 5 Takchai đang trong quá trình xây dựng gần bên cạnh các phòng học cũ đã xuống cấp. Ảnh: Vỹ Trần

Điểm trường thôn 5 Takchai đang trong quá trình xây dựng gần bên cạnh các phòng học cũ đã xuống cấp. Ảnh: Vỹ Trần

Nối dài những ước mơ

Với nỗ lực huy động nguồn lực từ xã hội hóa, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập chỉ còn 2 điểm trường thôn được xây dựng bằng gỗ. Nhiều điểm trường tuy chưa có điện lưới quốc gia nhưng đã được trang bị điện năng lượng mặt trời, tivi thông minh… từ nguồn hỗ trợ của các câu lạc bộ, đội nhóm, các nhà hảo tâm. Vì vậy, trong dạy - học chương trình mới, thầy trò các điểm trường lẻ có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Thầy Nguyễn Văn Hối, giáo viên đứng điểm dạy học ở Tắk Rối xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của các đội nhóm thiện nguyện, những điểm trường thôn cũng được trang bị đồ chơi phù hợp trên mặt bằng rộng. Điều này cũng góp phần thu hút học sinh đến trường vì gần như trẻ ở đây không có sân chơi. Học sinh ở đây chưa bao giờ nhìn thấy đồ chơi bằng vật liệu nhựa nên thích lắm, dù chỉ là một con thú nhún. Các em tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để chơi chứ không chịu ngủ. Chiều học xong không chịu về, xin được ở lại chơi, xin được xem các chương trình hoạt hình…”.

Thầy Lê Huy Phương không giấu được sự xúc động cho biết: “Dù biết là địa phương có chủ trương đầu tư xây dựng các điểm trường lẻ tại thôn bản theo hướng kiên cố hóa, nhưng Nam Trà My có nhiều điểm trường lẻ nên vẫn phải ‘xếp hàng’ chờ đợi. Bởi vậy, chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng để cải thiện các điều kiện dạy - học. Đây là ước mơ từ bấy lâu nay của tập thể sư phạm nhà trường”.

Năm học 2023 - 2024 có lẽ là năm học cuối cùng của học sinh điểm trường Ông Phụng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) phải học trong các phòng học cũ được dựng bằng gỗ và tôn. Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đang lên kế hoạch để khởi công xây dựng phòng học mới hỗ trợ cho thầy trò ở điểm trường này.

Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Cách đây 7 năm, chúng tôi đã vận động kinh phí để dựng lên ngôi trường bằng gỗ tại nóc Ông Phụng. Năm 2017, muốn đến đây chúng tôi phải đi 3 chặng kể từ điểm trường chính ở trung tâm xã. Đầu tiên là đi xe máy mất 1,5 tiếng, sau đó leo núi vào nóc Ông Deo mất 1,5 tiếng, đi bộ tiếp 1,5 tiếng nữa mới tới điểm trường Ông Phụng. Do không có đường, nên chỉ làm được trường gỗ tạm, phải nhờ bà con vận chuyển vật liệu rất vất vả”.

Sau 7 năm sử dụng, các phòng học tại điểm trường Ông Phụng đã bắt đầu xuống cấp. Những tấm tôn gỉ sét chắp vá, những phên gỗ theo thời gian cũng đã hở gió, thủng lỗ chỗ. Nóc Ông Phụng hiện vẫn là nơi 3 không: Không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, hiện chỉ dùng điện mặt trời và không nước sạch. Trong khi đó, học sinh tại điểm trường này ngày càng nhiều lên do đón cả các em nhà ở nóc Ông Đại xuống học cùng.

Điểm trường Ông Phụng hiện có 48 học sinh. Nhu cầu của điểm trường là xây dựng kiên cố 2 phòng học, một phòng giáo viên và khu vệ sinh với tổng diện tích khoảng 180 m2.

Anh Nam chia sẻ: “Vẫn nằm sâu trong núi, nhưng khác là giờ mới có đường đang mở tới trường. Đường đang làm nên cũng rất khó đi. Nhưng như vậy cũng quá tốt rồi. Nếu khó lại nhờ bà con hỗ trợ. Những lớp học khang trang và kiên cố được xây dựng từ sự chung tay của cộng đồng là nguồn động viên cho thầy cô thêm niềm tin cắm bản, động viên các em đi học cái chữ thường xuyên. Vì chỉ có cái chữ mới giúp các bạn nhỏ bền vững nhất”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-di-xay-uoc-mo-post687558.html