Mưa lũ tại miền Trung diễn biến phức tạp

Tính đến ngày 7-10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa lớn, mực nước các sông dâng cao khiến nhiều nơi ở vùng núi bị sạt lở, chia cắt. Đã có 2 người dân ở Quảng Trị bị nước cuốn mất tích, nhiều địa phương phải di dời dân tránh lũ.

Nước lũ dâng cao chia cắt giao thông tại miền núi Quảng Bình. Ảnh: Đức Trí

Nước lũ dâng cao chia cắt giao thông tại miền núi Quảng Bình. Ảnh: Đức Trí

Ngày 7-10, tại Quảng Trị, lượng mưa ở khu vực miền núi là 50-100 mm, có nơi hơn 100 mm. Theo dự báo, tổng lượng mưa toàn tỉnh đến ngày 9-10 sẽ đạt từ 300-500 mm, có nơi trên 600 mm. Mưa lớn ở khu vực miền núi Quảng Trị khiến lũ trên các sông dâng cao, nhiều khu vực bị ngập hơn 1m tại các cầu như ở xã A Dơi, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). Huyện Đăkrông cũng ghi nhận nhiều điểm ngập sâu, chia cắt một số khu dân cư ở các xã Hướng Hiệp, Ba Lòng, A Vao, Ba Nang... Chính quyền xã Ba Lòng đang lên kế hoạch di dời hơn 300 người dân đến nơi an toàn. Trưa 7-10, tại huyện Hướng Hóa xảy ra vụ lật thuyền khiến 2 người mất tích là anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) và anh Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú xã Hướng Tân) chèo thuyền qua con suối gần khu vực thủy điện Rào Quán để về nhà. Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người tổ chức tìm kiếm nạn nhân nhưng chưa có kết quả.

Tại Quảng Bình, mưa lớn liên tục trong hai ngày 6 và 7-10 đã gây ngập ở các khu vực miền núi huyện Minh Hóa và Quảng Ninh. Đến chiều 7-10, huyện Minh Hóa có nhiều xã bị lũ chia cắt. Cụ thể, các tuyến đường vào bản Ón, Yên Hợp, Mò Ó Ồ Ồ (xã Thượng Hóa), bản Lòm (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa)... đã không thể lưu thông. Hiện, vùng rốn lũ Tân Hóa nước sông đã lên hơn 1 m ở các ngầm tràn, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính quyền xã Tân Hóa đã chuẩn bị lực lượng cùng các phương tiện sẵn sàng ứng phó. Do mưa lũ, huyện Minh Hóa đã cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học từ trưa 7-10 để đảm bảo an toàn. Riêng 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Dân Hóa và Trọng Hóa được yêu cầu giữ toàn bộ học sinh ở lại trường.

Xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) được ghi nhận là một trong các địa phương có mưa lớn nhất toàn tỉnh Quảng Bình với lượng mưa lên đến 234 mm. Mưa lớn khiến một thôn cùng 6 bản của xã này bị cô lập hoàn toàn.Chính quyền địa phương chỉ còn giữ liên lạc qua điện thoại được với bản Trung Sơn và thôn Tân Sơn. Những thôn và bản còn lại đã không thể liên lạc.

Tại Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, mưa lớn kéo dài gây ngập sâu, phá hỏng các tuyến đường liên xã và nhiều điểm sạt lở núi ở huyện vùng cao Ba Tơ khiến chính quyền phải khẩn cấp sơ tán 25 hộ dân với 100 nhân khẩu đến nơi ở an toàn. Mưa lớn tại xã Ba Giang (huyện Ba Tơ cuốn theo đất, bùn nhão tràn xuống nhà dân. Hai điểm sạt lở núi ở thôn Nước Lô và Gò Khôn, xã Ba Giang uy hiếp 25 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu sinh sống bên dưới. Chính quyền địa phương vận động các hộ dân trong vùng nguy hiểm khẩn cấp sơ tán đến ở nhà người thân hoặc trường học an toàn. Mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao, gây ngập sâu nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện Ba Tơ về các xã từ 1 đến 2m. Một số tuyến đường về trung tâm xã Ba Lế, Ba Vinh bị ngập nặng, xói lở, nhiều khu dân cư bị cô lập. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện Ba Tơ đã cử nhiều đoàn công tác về cơ sở phối hợp với lực lượng tại chỗ ứng phó, phòng chống thiên tai. Hàng trăm học sinh các cấp ở vùng xung yếu ven sông, suối và vùng nguy hiểm sạt lở núi buộc phải nghỉ học.

Các tàu, thuyền về neo đậu tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Các tàu, thuyền về neo đậu tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Từ sáng 7-10, tuyến giao thông Sa Kỳ- Lý Sơn tạm dừng hoạt động do trên vùng biển Quảng Ngãi có gió cấp 5,6, biển động. Trước đó, trong ngày 6-10, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ đã bố trí tàu cao tốc để đưa hơn 400 người từ đảo Lý Sơn vào đất liền và hơn 200 người từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ cũng tổ chức nhiều chuyến tàu chở hàng vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa ra đảo và chở nông sản vào đất liền.

Tại Bình Định, do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh nên hai ngày qua, địa phương này có mưa rất to ở khu vực huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Theo Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-lu-tai-mien-trung-dien-bien-phuc-tap-post433765.html