Mưa lũ tại Nghệ An: Đã có 3 người tử vong, hơn 3.200 ngôi nhà bị 'nhấn chìm'

Báo cáo sơ bộ cho thấy, tính tới chiều 23/7, toàn tỉnh Nghệ An đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương. Đặc biệt có tới hơn 3.200 ngôi nhà của người dân bị ngập sâu trong nước lũ.

(Video: Nước lũ cuồn cuộn tại xã Nhôn Mai, Nghệ An. Nguồn: Người Lao Động)

Chiều ngày 23/7, trong cuộc họp khẩn do Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì, những con số ban đầu về hậu quả nghiêm trọng của trận mưa lũ kéo dài sau bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) đã được công bố chính thức.

Từ ngày 21 đến 22/7, do chịu ảnh hưởng từ hoàn lưu bão, địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận mưa đặc biệt lớn, kéo theo tình trạng ngập sâu, sạt lở đất nghiêm trọng và lũ lụt diện rộng tại nhiều khu vực.

Hình ảnh ghi nhận tại khu dân cư xã biên giới Mường Xén sáng 23/7. Ảnh: V.L

Hình ảnh ghi nhận tại khu dân cư xã biên giới Mường Xén sáng 23/7. Ảnh: V.L

Thống kê đến chiều 23/7 cho thấy, toàn tỉnh đã có 3 người thiệt mạng, 1 trường hợp mất tích và 4 người khác bị thương. Đáng chú ý, hơn 3.200 ngôi nhà của người dân đã bị ngập sâu trong dòng nước lũ.

Ngay từ những ngày đầu mưa lớn, chính quyền tỉnh Nghệ An đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, huy động lực lượng để di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Tuy vậy, đến trưa 23/7, vẫn còn nhiều thôn, bản và xã bị cô lập hoàn toàn, mất liên lạc và mất điện kéo dài.

Lũ lớn tràn về ngày 22/7 tại xã Nhôn Mai (Nghệ An).

Theo ông Hoàng Văn Đại – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt mưa lớn do bão số 3 đã gây ảnh hưởng rõ rệt tới khu vực phía Tây các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Riêng tại Nghệ An, lượng mưa ghi nhận phổ biến từ 150–250 mm.

Trong khoảng thời gian từ đêm 21 đến hết ngày 22/7, Nghệ An đã hứng chịu lượng mưa trung bình từ 100 đến 200 mm, trong đó huyện Quỳ Châu có mức mưa cao nhất với 259 mm. Dòng lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong xảy ra ngập lụt, lũ ống và lũ quét.

Mái nhà trôi ở xã Mường Xén.

Tính đến sáng 24/7, quốc lộ 7 đoạn đi qua các xã thuộc huyện Anh Sơn, Tương Dương và Con Cuông vẫn đang bị ngập nặng từ 0,5 đến trên 1 mét do lượng mưa kéo dài cùng dòng nước đổ về từ đầu nguồn. Nhiều điểm chốt đã được lập để cấm phương tiện lưu thông nhằm đảm bảo an toàn.

Tình hình cũng không khả quan tại quốc lộ 16, tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Tuyến đường này đang bị tê liệt hoàn toàn bởi hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, gây gián đoạn việc đi lại từ trung tâm huyện Tương Dương cũ đến các xã vùng sâu, cũng như các huyện giáp ranh như Kỳ Sơn, Quế Phong.

Lúc 1h ngày 23/7, nước lũ dâng cao gây ngập đến nửa cổng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2. Ảnh ĐH

Lúc 1h ngày 23/7, nước lũ dâng cao gây ngập đến nửa cổng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2. Ảnh ĐH

Đáng chú ý, do mưa lớn liên tục và lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước tại nhiều con sông suối đã dâng cao đột ngột, vượt các mốc lịch sử. Tại Mường Xén, đỉnh lũ đã vượt mức lũ lịch sử năm 2011 tới 0,4m; tại Thạch Giám, lũ vượt kỷ lục năm 2018 tới 3,91m; và tại Con Cuông, mực nước vượt mức lịch sử năm 1975 đến 0,66m.

Bên cạnh đó, khu vực ven sông Cả cũng ghi nhận tình trạng ngập úng cục bộ. Một số tuyến đường tại các xã miền núi xuất hiện hiện tượng sạt lở, dẫn đến tình trạng chia cắt tạm thời, gây khó khăn lớn cho công tác cứu hộ và tiếp cận hỗ trợ người dân.

(Video ghi lại một khu dân cư ở xã Mường Xén chìm trong biển nước do mưa lũ. Nguồn: Văn Lang)

Trước tình hình phức tạp, Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp phòng chống lũ, tập trung tối đa vào bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, nhanh chóng tiếp cận các khu vực bị cô lập, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh, môi trường sau lũ.

Yến Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/mua-lu-tai-nghe-an-da-co-3-nguoi-tu-vong-hon-3-200-ngoi-nha-bi-ngap-202507241338282518.html