Mưa lũ tiếp tục chia cắt một số địa phương

Do mưa lớn kéo dài nên thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) xả lũ với lưu lượng lớn.

Do mưa lớn kéo dài nên thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) xả lũ với lưu lượng lớn.

Trong ngày 6-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn. Một số địa phương vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn... lượng mưa rất lớn gây chia cắt một số nơi, một số tuyến đường cũng bị sạt lở trở lại. Cụ thể, tại H. Bắc Trà My, mưa lớn khiến tuyến QL40B đoạn qua khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị ngập nặng, giao thông lên H. Nam Trà My bị chia cắt, một số khu vực ở TT Trà My cũng ngập nặng. Đối với H. Nam Trà My, mưa lớn liên tục trút xuống địa phương này khiến mọi người rất bất an vì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chính quyền địa phương đã kéo còi báo động cho người dân đến chỗ an toàn để trú ẩn. Liên quan đến 13 người còn đang mất tích tại xã Trà Leng, H. Nam Trà My, trong ngày 6-11 lực lượng chức năng đã tạm thời ngưng tìm kiếm nhằm đảm bảo an toàn.

QL40B từ Bắc Trà My lên Nam Trà My (Quảng Nam) tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

QL40B từ Bắc Trà My lên Nam Trà My (Quảng Nam) tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Tại H. Phước Sơn, những ngày qua chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng nỗ lực khẩn trương thông tuyến vào các xã Phước Thành, Phước Lộc, dự kiến cuối tuần này sẽ tiếp cận được. Thế nhưng đợt mưa lớn lần này đã làm cho một số đoạn đường vào các xã vùng cao trên sạt lở trở lại. Do đó công tác tiếp cận, hỗ trợ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu cập nhật từ BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam, lúc 15 giờ ngày 6-11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 lên tới 6.326m3 /giây. Trước lượng nước đổ về hồ lớn, thủy điện Sông Tranh 2 đã phải xả lũ điều tiết xuống hạ du. Thời điểm 15 giờ cùng ngày, lưu lượng xả của thủy điện Sông Tranh 2 về hạ du hơn 2.000m3 /giây.

Một số tuyến đường ở khu vực TT Trà My bị ngập trưa 6-11.

Một số tuyến đường ở khu vực TT Trà My bị ngập trưa 6-11.

Trước lưu lượng mưa quá lớn, PCTT và TKCN cảnh báo đến người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối, thuộc các huyện như: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức; tình trạng ngập lụt diện rộng tiếp tục tại các vùng trũng thấp các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TX Điện Bàn, TP Hội An và TP Tam Kỳ.

Chiều cùng ngày, Đồn Biên phòng Bình Minh (H. Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân Trần Huy Hoàng (1987) cùng em ruột là anh Trần Đăng Luân (2000, trú xã Bình Hải). Trước đó đêm 5-11, hai anh em Hoàng và Luân chèo ghe trên sông Trường Giang thả lưới đánh cá. Đến khoảng 3 giờ ngày 6-11, gia đình không thấy hai anh em về, nhiều lần gọi điện thoại nhưng vẫn không liên lạc được nên lo lắng đi tìm. Đi dọc sông Trường Giang, khi đến đoạn xã Bình Nam (H. Thăng Bình), người nhà thấy chiếc ghe của hai anh em bị lật. Nghi có chuyện chẳng lành, gia đình trình báo chính quyền địa phương cùng người dân hỗ trợ tìm kiếm. Đến sáng cùng ngày, thi thể Hoàng và Luân đã được tìm thấy cách nơi phát hiện chiếc ghe bị lật không xa.

Nhà bị cuốn trôi nên người dân xã Phước Lộc (H. Phước Sơn, Quảng Nam) dựng lều tạm để ở.

Nhà bị cuốn trôi nên người dân xã Phước Lộc (H. Phước Sơn, Quảng Nam) dựng lều tạm để ở.

Theo lãnh đạo xã Bình Hải, từ đêm 5-11 trên địa bàn xã có mưa kèm gió lớn nên nhiều khả năng đã làm ghe bị lật, dẫn đến vụ việc đau lòng trên. Được biết, anh Hoàng có vợ và 2 con nhỏ (một cháu sinh năm 2016 và một cháu 18 tháng tuổi). Còn anh Luân làm phụ bếp cho một Cty du lịch ở Đà Nẵng, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã nghỉ làm về quê mấy tháng nay.

* Ngày 6–11, tin từ UBND H.Hướng Hóa, Quảng Trị cho hay đã có tờ trình lên UBND tỉnh, Sở NN và PTNT và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh về việc xin hỗ trợ thực hiện bố trí tái định cư cho nhân dân dọc khu vực suối Ta Bang, xã Hướng Sơn có nguy cơ sạt lở đất. Trước đó, Hướng Sơn chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ dồn dập trong tháng 10 – 2020, đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang gây chia cắt đường giao thông liên xã. Đặc biệt, sau bão số 9, nhân dân phát hiện núi Ta Bang có nhiều vết nứt dài 150 đến 200m, độ rộng 40 – 50cm, có nguy cơ sạt lở lớn. Bước đầu, xã đã di dời các hộ dân sinh sống dưới chân núi về nơi an toàn. Tiếp tục kiểm tra, ngành chức năng đánh giá, cho thấy những vết nứt có nguy cơ lớn đến sạt lở núi ảnh hưởng trực tiếp 24 hộ, 81 nhân khẩu và về lâu dài ảnh hưởng thêm 21 hộ, 90 nhân khẩu sinh sống hạ lưu suối Ta Bang. Tất cả đều thuộc thôn Ra Ly – Rào. Nhằm đảm bảo tính mạng cho nhân dân và ổn định đời sống lâu dài, việc thực hiện tái định cư cho 45 hộ trên là cần thiết và cần khẩn trương.

Nhiều đoạn đường trên tuyến QL1A qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi bị ngập lụt nặng.

Nhiều đoạn đường trên tuyến QL1A qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi bị ngập lụt nặng.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 đã gây mưa lớn tại một số huyện trên địa bàn Quảng Ngãi nên đã xảy ra lụt ngập hàng nghìn nhà dân. Tối 5-11 nước lụt dâng cao gây ngập thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức. Tài sản nhà dân bị ngập không kịp di dời, hoa màu chìm trong biển nước. Hàng trăm hộ dân phải di tản đến vùng cao an toàn. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Đức Phổ ngập nặng gây ách tắc giao thông. Cho đến sáng ngày 6-11 nhiều đoạn trên quốc lộ bị ngập, việc đi lại của các phương tiện gặp khó khăn. Lực lượng Công an đã được bố trí tại các điểm ngập lụt cứu dân, phân luồng giao thông tại các điểm bị ngập lụt.

TRẦN TÂN – BẢO HÀ – TRUNG THÀNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_234127_mua-lu-tiep-tuc-chia-cat-mot-so-dia-phuong.aspx