Mưa tên lửa qua đi, xung đột ở lại

Xung đột giữa Israel và Palestine sẽ lại bùng lên như một vòng lặp, bởi bản chất xung đột còn đó và không có gì thay đổi qua nhiều thập niên - ngoại trừ một điều.

Israel và Hamas ngừng bắn sau 11 ngày. Gần 250 mạng sống ở cả hai phía mất đi. Những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Nhưng sẽ là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng những phát ngôn mạnh mẽ khác thường từ chính giới Mỹ hay cộng đồng quốc tế khiến xung đột Israel - Palestine dịu đi, hoặc tìm thấy lối thoát.

Mâu thuẫn giữa người Palestine và người Do Thái đến nay đã kéo dài hơn bảy thập kỷ qua. Trong suốt khoảng thời gian đó, đã có ít nhất 4 cuộc chiến tranh lớn giữa Israel và các nước Arab.

Và trên thực tế, các cuộc đụng độ đẫm máu, như những gì vừa diễn ra ở Dải Gaza, từng xảy ra nhiều lần trước đây và thi thoảng lại bùng lên với tần suất vài năm một lần.

Và nó sẽ còn lặp lại trong tương lai, vì hai lý do sau.

Thứ nhất, Israel vẫn cảm thấy rằng ít nhất còn một phần đáng kể của thế giới Arab chưa chấp nhận sự tồn tại của họ ở khu vực Trung Đông. Các nước Arab vẫn sẵn sàng ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất cho người Palestine trong cuộc đương đầu với Israel.

Trong khi đó, người Palestine lại cho rằng Israel đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ của họ và đẩy cả dân tộc này vào thế phải sống lưu vong, nên họ phải chiến đấu chống lại.

Điều này cộng với sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo gần như đảm bảo hai bên sẽ luôn coi nhau là “kẻ thù không đội trời chung”. Nói cách khác, việc từ chối quyền được tồn tại của đối phương trên cùng mảnh đất đã trở thành “lẽ sống” của không ít người ở cả hai bên chiến tuyến.

Thứ hai, hai bên cùng cho rằng mình là chủ nhân hợp pháp của một mảnh đất vốn có diện tích khá eo hẹp và được coi là thiêng liêng đối với cả người Do Thái lẫn người Arab.

Vì vậy, rất khó để có thể giải quyết mâu thuẫn bằng việc phân chia lãnh thổ, đặc biệt khi dân số cả hai ngày càng tăng, và một khi người dân đã định cư thì rất khó để bất kỳ chính phủ nào buộc được họ dời đi.

Dù các nhà lãnh đạo hai bên có đàm phán được một thỏa thuận hết sức sáng tạo để phân chia lãnh thổ và chia sẻ quyền kiểm soát các thánh địa một cách hợp lý, thì cũng khó chấm dứt được tình trạng hiện nay.

Những phần tử cực đoan nhất trong cả nhóm Hamas lẫn phe "diều hâu" ở Israel đều sẵn sàng dùng bạo lực để khiến thỏa thuận đổ bể. Khi đó, những lực lượng ôn hòa ở cả hai phía sẽ mất uy tín, và thậm chí buộc phải nhường sân khấu chính trị cho những nhóm cực đoan hơn.

Viễn cảnh khả dĩ nhất để xung đột Israel - Palestine kết thúc “một lần và mãi mãi” là một cuộc chiến lớn và toàn diện để cả hai bên giải quyết triệt để các bất đồng đã tồn tại lâu nay.

Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, không ai có thể xem đó là một viễn cảnh khả thi hay thậm chí là có thể nghĩ đến, bởi cái giá phải trả về nhân mạng sẽ rất lớn.

Về mặt lợi ích, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ không ngồi yên nếu có một cuộc chiến tranh tổng thể như thế nổ ra. Không chỉ là Mỹ, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia mà còn có quá nhiều quốc gia lớn nhỏ khác cũng quan tâm tới và có lợi ích sát sườn trong xung đột Israel - Palestine.

Họ sẽ làm tất cả để cho phe của mình không bị thảm bại, song cũng sẽ khó có đủ nguồn lực, ý chí chính trị hay thậm chí là lợi ích để tìm cách đánh bại hoàn toàn đối phương.

Vì vậy, nếu có một cuộc chiến tranh lớn giữa Israel - Palestine, nhiều khả năng nó sẽ nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trường kỳ, và thành vũ đài chính trị để các cường quốc và các nước có quan tâm trong khu vực so găng.

Bởi chắc chắn là sẽ không nước liên quan nào có lợi khi đồng minh của mình bị thua cuộc chóng vánh.

Ngoài ra, nếu có gì mới về 11 ngày căng thẳng vừa qua, thì đó không phải sự thay đổi về bản chất của mâu thuẫn lợi ích giữa Israel và Palestine, mà ở nhận thức mới của cộng đồng quốc tế - đặc biệt là ở người trẻ, khi họ ngày càng hiểu biết các vấn đề thời sự quốc tế và sử dụng mạng xã hội để thể hiện điều đó.

Qua các story trên Facebook và Instagram, tôi nhận thấy rằng ngay ở Việt Nam cũng có một nhóm các bạn trẻ có tư duy cấp tiến ủng hộ Palestine khá rõ ràng.

Những người này cho rằng những gì Israel đang thực hiện, thực chất là một chính sách thực dân và nó chà đạp lên công lý xã hội.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, hiện nay số người Việt ủng hộ Israel có lẽ sẽ nhỉnh hơn, một phần bởi trí tuệ Do Thái là một đề tài đang được quan tâm trong những năm gần đây. Phần khác bởi nhiều người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump - vốn là người có nhiều chính sách thân Israel.

Điều kỳ lạ ở chỗ những gì diễn ra trên mạng xã hội của Việt Nam lại tương đồng phần nào với nước Mỹ - nơi mà chính sách truyền thống là mối quan hệ đồng minh không tách rời với Israel (dù mức độ bảo vệ có thể dao động qua từng đời tổng thống).

Tại Washington D.C., nơi ủng hộ Israel là vấn đề được đồng thuận lưỡng đảng, những nghị sĩ cấp tiến như Alexandria Ocasio-Cortez và Bernie Sanders đã lớn tiếng đòi hỏi chính quyền Tổng thống Joe Biden bảo vệ người Palestine và ngưng các thương vụ vũ khí với Israel.

Tại bang Massachusetts, một nữ sinh 16 tuổi đã buộc một thượng nghị sĩ phải điều chỉnh tuyên bố của ông về lập trường ủng hộ Israel.

Tôi sẽ đón xem những thay đổi mới mẻ đó có tác động ra sao đến mối thù 7 thập niên qua, dù khả năng lớn là xung đột vũ trang ở cường độ có giới hạn và tần suất thấp giữa Israel - Palestine vẫn khó tránh khỏi, và sẽ còn tiếp diễn chừng nào hai cộng đồng còn tiếp tục cách nghĩ và vẫn chung sống như hiện nay.

Ngô Di Lân

Trợ lý thực hiện: Nguyễn Hoàng Anh ThưĐồ họa: Hà My

Ngô Di Lân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-ten-lua-qua-di-xung-dot-o-lai-post1218411.html