'Mùa xuân gọi' vẫn ở lại với thời gian

Với tôi, mùa xuân là em, là tình yêu, là niềm vui lấp lánh trong mắt người trên môi người. Với mẹ, mùa xuân cũng là tình yêu, là niềm vui, là đứa con xa nhà mẹ đang ngóng trông và con sẽ mang theo xuân về cho mẹ.

Rất yêu không gian và sắc màu, Trần Tiến đã vẽ chân dung nàng xuân bằng ánh vàng của nắng gió xôn xao, bằng màu xanh của đất trời rộng mở đến vô cùng.

Rất yêu mẹ, Trần Tiến đã đưa mẹ vào câu hát với tiếng gọi như còn bé thơ: “Mẹ ơi!”. Mẹ luôn chờ anh, và năm ấy mẹ đã cố chờ đứa con thứ bảy mà mẹ yêu thương nhất nhà từ tận cùng đất nước trở về nhìn mẹ lần cuối.

Không ngợi ca chung chung bằng những từ ngữ quá sáo quá nhàm, mùa xuân của Trần Tiến mộc mạc, chân thành, tự nhiên và khoáng đạt. Bài hát có cấu trúc đơn giản như phần lớn ca khúc phổ thông, gồm hai đoạn cân phương, vuông vắn. Lời ca vừa bình dị chất đời ở đoạn đầu, vừa bay bổng chất thơ ở điệp khúc; lúc sinh động trong câu thoại đời thường với nhân vật cụ thể, lúc nhân cách hóa cho xuân cất tiếng hát gọi vạn vật hữu hình và cả vô hình như nắng gió, niềm vui, tình yêu.

Không chỉ ở giọng trưởng ngời sáng, giai điệu mùa xuân của Trần Tiến lại bắt đầu từ giọng thứ êm dịu, rồi cứ thế đan xen màu sắc của hai điệu “trưởng - thứ song song”. Vui trong bâng khuâng ngỡ ngàng, yêu trong da diết nhớ thương. Xuyên suốt bài ca là motif nghịch phách (syncope), một âm hình tiết tấu quen thuộc trong dân ca nhạc cổ: buông lơi phách mạnh, nhấn nhá phách yếu, đưa đẩy cho nhịp điệu chao nhẹ, xao xuyến.

Một bài hát xinh xắn, dễ vào, dễ cảm, nhưng lại chịu số phận long đong như phần lớn ca khúc thập niên 80 của Trần Tiến. Một tác giả yêu đời yêu người, giàu năng lượng sáng tạo, luôn thật với mình và thật trong âm nhạc, ấy vậy mà như lời anh than: “Cứ viết bài nào bị cấm bài đó”, kể cả Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Thành phố trẻ, Vết chân tròn trên cát, Chiếc vòng cầu hôn, Điệp khúc tình yêu… Vì những ca khúc “có vấn đề” mà tác giả từng bị bắt giữ, phải trốn chạy, rồi phải mang những đứa con tinh thần của mình tới trình diện Hội Nhạc sĩ: anh đã hát lại chương trình du ca trước các “cây đa cây đề” của làng nhạc - Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao… Các bậc tiền bối đã không phán xét anh, bởi hơn ai hết họ hiểu thế nào là một nhạc sĩ nhạy bén với thời cuộc và dám đi trước trong tinh thần nhập cuộc.

Những giá trị thật luôn ở lại với thời gian. Nhiều ca khúc từng bị cấm đoán, trong đó có Mùa xuân gọi, sau này lại được hát, được yêu thích và trở thành bài ca để đời trong sự nghiệp âm nhạc của Trần Tiến, sự nghiệp ấy đã được ghi nhận bằng Huân chương Lao động hạng Ba và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Nguyễn Thị Minh Châu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mua-xuan-goi-van-o-lai-voi-thoi-gian-27697.html