Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu: Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đại biểu Quốc hội cho rằng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã lạc hậu, chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Mức giảm trừ gia cảnh còn lạc hậu.

Mức giảm trừ gia cảnh còn lạc hậu.

Đại biểu Quốc hội cho rằng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã lạc hậu, chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống, cần sớm điều chỉnh cho phù hợp.

Trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, cho ý kiến về mức giảm trừ gia cảnh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.

“Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%).

Theo khảo sát của các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, đối với những quốc gia người dân có thu nhập cao, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30% - 40%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần nghiên cứu sớm sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân.

“Cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng; biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu/năm đã phải chịu thuế suất 5%)”, vị này nói.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế.

Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động…

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Sớm sửa luật để phù hợp thực tiễn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới năm 2025 mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026) như dự kiến hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng là để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá thành hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng.

Nhưng thay đổi, sửa đổi những bất cập, lạc hậu của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng có tác dụng không kém khi người dân có cơ hội được giữ lại thêm một phần “túi tiền” của mình để ứng phó với lạm phát và các biến động khác của đời sống.

“Mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Sau khi có mức sống đủ cơm no, áo ấm, người dân có thêm nhu cầu du lịch, vui chơi. Trẻ em ngoài học trường công lập, còn phải chi thêm tiền học thêm, học môn năng khiếu. Mức chi tiêu mỗi năm thay đổi nhưng cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát gây ra nhiều bất cập, khiến người dân than phiền”, vị chuyên gia đánh giá.

Luật sư Nguyễn Sương, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định, khi lạm phát tăng 20% mới sửa đổi không phù hợp.

Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3 - 4 mức lương. Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo. Các giải trình tăng lương cơ sở có thể làm căn cứ để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.

“Tăng lương nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người dân chịu áp lực. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa”, luật sư Nguyễn Sương đánh giá.

Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, để sửa đổi bất cập của mức giảm trừ gia cảnh, ngưỡng thu nhập chịu thuế, trước hết, cơ quan chức năng phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Sau khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân rồi mới có thể sửa đổi về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá, quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý.

“Luật Thuế thu nhập cá nhân cần điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó. Đồng thời, cơ quan chức năng xem xét việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo chi phí thực tế của người nộp thuế”, ông Được kiến nghị.

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/muc-giam-tru-gia-canh-lac-hau-can-som-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-post685681.html