Mục tiêu cuối cùng phải bảo đảm quyền lợi cho 100 triệu dân

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất, khi sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng cần bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, dù vàng SJC còn độc quyền hay không, thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được là thị trường vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến vĩ mô vì 'đó là quyền lợi của 100 triệu người dân'.

“Đáng ra phải sửa Nghị định số 24 sớm hơn”

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng nhìn nhận, sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24) đã đạt được những kết quả “rất đáng ghi nhận”.

Cụ thể, ở thời điểm 2012, khi thị trường vàng lộn xộn, bất ổn, nhất là sự ra đời của các sàn vàng tự phát, Nghị định số 24 được coi như “dấu mốc lịch sử” để thiết lập lại thị trường ổn định hơn. “Mục đích của Nghị định không phải quản lý giá vàng mà là quản lý thị trường vàng để bảo đảm nó không tác động xấu tới điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá. Chỉ sau một vài năm nghị định có hiệu lực, chúng ta đã đạt được mục tiêu này. Đó là cái được lớn nhất của nghị định”, ông Bảng bình luận.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Tuy vậy, từ 2012 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã rất khác, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng. Thị trường vàng cũng thay đổi. Ngay tại khu vực ASEAN, không còn nước nào quản lý thị trường vàng theo như tinh thần của Nghị định số 24 mà tự do hoàn toàn thị trường, thuế xuất nhập khẩu bằng 0, do Bộ Thương mại quản lý chứ không phải là ngân hàng Trung ương. Có chăng, các ngân hàng Trung ương chỉ quản lý vàng dự trữ trong quỹ dự trữ ngoại hối, còn lại là trả cho thị trường. Do đó, việc đánh giá, tổng kết Nghị định số 24 để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi phù hợp tình hình và phù hợp xu thế là rất cần thiết và phải làm ngay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27.12.2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Bảng chia sẻ.

Tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú xác nhận, sau hơn 10 năm, Nghị định số 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng - đó là cấm vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến vĩ mô, đặc biệt là về lãi suất, giá cả, tỷ giá, ngoại tệ. Song, sau hơn 10 năm, việc sửa đổi là cần thiết, “bởi đến các luật sau 10 năm cũng phải sửa đổi”. “Đáng ra phải sửa sớm hơn”, ông Tú phát biểu, và cho rằng “có phần nào đó không kịp thời trong việc sửa Nghị định số 24”.

Xem xét lập sàn giao dịch vàng

Trong Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27.12.2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng; tổng kết thực hiện Nghị định số 24 để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1.2024.

Góp ý vào việc sửa đổi Nghị định số 24, ông Đinh Nho Bảng thông tin, hiện không chỉ các nước trong ASEAN mà thế giới đều đã tự do hóa thị trường vàng. Các ngân hàng Trung ương chỉ quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối. "Nếu Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC bán ra thị trường, tức vừa làm quản lý vừa tham gia thị trường, là không còn phù hợp và không theo xu thế chung".

Thêm vào đó, hiện không có nước nào độc quyền sản xuất vàng miếng như Việt Nam. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng từng nhiều lần đề nghị cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang; phá thế độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, bởi điều này đã đẩy vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng/lượng do nguồn cung vàng miếng SJC không được sản xuất thêm.

Cũng theo ông Bảng, ở các nước thành lập sàn giao dịch vàng đã tạo sự minh bạch, Nhà nước quản lý được luồng tiền, luồng vàng ra vào, thực hiện được bảo hiểm về giá vàng. Tại Việt Nam, đã có sàn lao động, sàn chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa thì cũng cần thiết có sàn vàng, dưới sự quản lý của Nhà nước. Khi đó sẽ bảo đảm cho các mục tiêu minh bạch thị trường, Nhà nước quản lý được và chống thất thu thuế.

“Sửa Nghị định số 24 cũng cần phải làm rõ các khái niệm, như “kinh doanh vàng khác” thì đó là vàng gì? Đồng thời, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường vàng; phân biệt rõ việc quản lý vàng vật chất và phi vật chất, tức vàng trên tài khoản và được thanh toán điện tử”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nêu ý kiến.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng kết, sửa đổi Nghị định số 24. Với đề nghị xem xét bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành, và sẽ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới ngay trong tháng này, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn thông tin.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, dù vàng SJC còn độc quyền hay sẽ có nhiều thương hiệu khác, thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được là thị trường vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô vì “đó là quyền lợi của 100 triệu người dân, còn quyền lợi kinh doanh vàng chỉ ở phạm vi nhỏ”.

“Nhà nước luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân. Song, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và không bảo hộ cho giá cả của tổ chức kinh doanh vàng miếng. Chúng ta cũng không chấp nhận sự chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng như vừa qua”, Phó Thống đốc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tất cả sẽ được xử lý trong sửa đổi Nghị định số 24. Việc sửa đổi ra cũng sẽ bảo đảm lấy ý kiến rộng rãi để có cơ chế tích cực nhất, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cam kết.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/muc-tieu-cuoi-cung-phai-bao-dam-quyen-loi-cho-100-trieu-dan-i356327/