Mục tiêu dài hạn

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố mục tiêu đến năm 2030 của Liên hiệp châu Âu (EU) về thúc đẩy đào tạo và tăng số lượng việc làm. Đây được xem là những ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững của khối.

Nhà máy sản xuất ô-tô tại Đức. Ảnh: ROI-TƠ

Nhà máy sản xuất ô-tô tại Đức. Ảnh: ROI-TƠ

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố mục tiêu đến năm 2030 của Liên hiệp châu Âu (EU) về thúc đẩy đào tạo và tăng số lượng việc làm. Đây được xem là những ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững của khối.

Theo kế hoạch mới được công bố, đến năm 2030, ít nhất 78% người dân EU trong độ tuổi từ 20 đến 64 có việc làm, ít nhất 60% số người trưởng thành được tham gia đào tạo hằng năm. Ngoài ra, EU cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế số và bền vững hơn. EC đánh giá, đây là những mục tiêu tham vọng, song mang tính thực tiễn.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường việc làm nói riêng. Sự sụt giảm nhu cầu trên toàn thế giới và gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế do chính phủ áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã tác động mạnh đến các ngành sản xuất, dịch vụ, du lịch..., vốn là các ngành kinh tế tạo ra nhiều việc làm. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch đã gây tổn thất lớn cho thị trường việc làm toàn cầu, khiến thế giới mất khoảng hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020. Tổng Giám đốc ILO G.Rai-đơ nhận định, đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm thế giới trải qua kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Các nước thành viên EU cũng không tránh khỏi những thiệt hại nghiêm trọng khi “cơn bão” Covid-19 quét qua. Theo số liệu mới nhất do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, trong tháng 1-2021, tỷ lệ thất nghiệp tại EU tăng lên mức 7,3%, so mức 6,6% cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 kéo theo các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở EU tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, các nước EU đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời để bảo đảm việc làm cho người lao động. Thủ tướng Pháp G.Ca-xtếch khẳng định, tái khởi động nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp là những ưu tiên trong kế hoạch phục hồi của nước này. Khi tung ra gói hỗ trợ kinh tế trị giá 118 tỷ USD để ứng phó tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Pa-ri hy vọng 160 nghìn việc làm sẽ được tạo ra trong năm 2021. Trong khi đó, tại Đức, nền kinh tế đầu tàu EU, Chính phủ nước này đã nhất trí kéo dài chương trình trợ cấp việc làm ngắn hạn (Kurzarbeit) cho người lao động đến hết năm nay. Theo đó, người lao động sẽ bị rút ngắn thời gian làm việc, song vẫn được coi là nhân viên chính thức và nhận một khoản tiền lương từ ngân sách nhà nước. Kurzarbeit được xem là công cụ hữu hiệu của Đức nhằm giảm tình trạng thất nghiệp, nhất là những ngành bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chính phủ các nước thành viên EU khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Séc… cũng tích cực triển khai các giải pháp hạn chế tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Giới phân tích nhận định, những giải pháp ngắn hạn các nước EU đưa ra trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ con tàu kinh tế vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm nền kinh tế EU tăng trưởng bền vững, bao trùm trong tương lai, việc đưa ra chiến lược lâu dài về việc làm đóng vai trò rất quan trọng. Để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy đào tạo và tăng việc làm tại EU đến năm 2030 vừa được công bố, mới đây, EC đã đề xuất sáng kiến hỗ trợ việc làm EASE. EC nhấn mạnh, EASE sẽ hỗ trợ các nước trong khối tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh như kỹ thuật số.

Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, bảo đảm việc làm cho người dân được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu và cũng là thách thức lớn đối với EU. Giới phân tích kỳ vọng, với sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các nhà lãnh đạo trong khu vực, con tàu kinh tế EU sẽ vững vàng vượt qua khó khăn và sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

VẠN XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/muc-tieu-dai-han-638390/