Mức xử phạt hành chính đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý?

Bạn đọc Châu Ngọc Quang ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trong vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, mức xử phạt hành chính đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 55 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này.

* Bạn đọc Cao Minh Nhứt ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt hành chính đối với hành vi không chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền kiểm tra phương tiện thủy nội địa?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 41, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mức xử phạt hành chính với hành vi này là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi sau:

- Cố tình không dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát theo hiệu lệnh của người có thẩm quyền;

- Không xuất trình hoặc cố tình trì hoãn, kéo dài việc xuất trình giấy tờ của phương tiện, của thuyền viên hoặc người lái phương tiện, hàng hóa khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

- Không đưa hoặc cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian đưa phương tiện về nơi xử lý vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền;

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có thẩm quyền;

- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền;

- Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tang vật, phương tiện, nhà kho, trang thiết bị vi phạm đang bị niêm phong; tạm giữ hoặc tẩu tán tài liệu, tang vật vi phạm, tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/muc-xu-phat-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-co-lap-xua-duoi-hoac-gay-ap-luc-thuong-xuyen-ve-tam-ly-701144