Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Bạn đọc Trịnh Văn Tú ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

b) Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước;

c) Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này.

* Bạn đọc Nguyễn Văn Hảo ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 168 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.

2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/muc-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-ve-dieu-kien-cua-hang-ban-le-xang-dau-713448