Muốn giải bài toán giữ chân nhân lực y tế công phải giải được bài toán nâng cao thu nhập!

Nguyên nhân lớn khiến nhân viên y tế công bỏ việc là do áp lực lớn nhưng thu nhập lại rất thấp. Đây là điều không hề dễ dàng giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn. (NB&CL) Nguyên nhân lớn khiến nhân viên y tế công bỏ việc là do áp lực lớn nhưng thu nhập lại rất thấp. Đây là điều không hề dễ dàng giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.

Bỏ việc vì thu nhập thấp

Đến khi nào nhân lực giỏi của y tế công bỏ việc sang tư mới chấm dứt là câu hỏi nhiều người đặt ra. Bởi thực tế, có những thời điểm việc nhân lực y tế bỏ việc, nghỉ việc đã trở thành làn sóng. Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, chỉ trong 6 tháng trong năm 2022, có 3.756 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin thôi việc, bỏ việc. Trong số đó có 1.190 bác sĩ, 1.177 điều dưỡng, 267 kỹ thuật y và 1.126 viên chức y tế khác.

 Đời sống nhân viên y tế gặp khó khăn trong nhiều năm qua vì thu nhập thấp, bấp bênh.

Đời sống nhân viên y tế gặp khó khăn trong nhiều năm qua vì thu nhập thấp, bấp bênh.

Đề xuất chưa giảm biên chế y tế công!Đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ viên chức ngành y tế.

Các địa phương, tỷ lệ thôi việc, bỏ việc cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, đã có 357 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong số đó có 115 bác sĩ, 117 điều dưỡng, 33 kỹ thuật y và 91 viên chức y tế khác. Các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh có số người bỏ việc lớn.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tượng nhân viên chuyển việc từ công sang tư xuất hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên trong hai năm qua, số lượng nhân viên y tế chuyển việc từ công sang tư có xu hướng tăng. “Dự báo số lượng nghỉ, chuyển việc có thể tiếp tục tăng trong năm 2023”, bà Hà nhận định. Nguyên nhân chủ yếu theo bà Hà là chế độ tiền lương, thu nhập thấp (48% trường hợp). Các nguyên nhân khác nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn…

Đại dịch COVID-19 hai năm qua đã tác động lớn đến biến động nhân sự ngành y. Nhân viên y tế phải làm nhiều nhiệm vụ chưa từng có, như cách ly, xét nghiệm, hỗ trợ người bệnh tại nhà, chiến dịch tiêm chủng... Có những thời điểm họ phải tổ chức tiêm chủng tới 4h mỗi ngày, công việc rất căng thẳng, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ.

“Đó là sự hy sinh quá lớn, thời gian căng thẳng quá dài, thu nhập không tốt khiến họ bỏ việc nhiều”, bà Hà cho biết và nói thêm rằng các nguyên nhân quan trọng nằm ở chính sách, chế độ, nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm nhiều, không đủ tài chính đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Trước thực trạng này, vừa qua Vụ tổ chức cán bộ Bộ Y tế cũng đã có nhận định: “Áp lực công việc trong khu vực công cao. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn”.

Trong khi đó, thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hơn 3 triệu.

“Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập” – Bộ Y tế nêu.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Giữ chân được nhân lực y tế, tạo động lực cho nhân viên y tế làm việc là vấn đề đặt ra hiện nay. Theo Bộ Y tế, để giữ chân lực lượng y tế công cần động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 Giữ chân được nhân lực y tế, tạo động lực cho nhân viên y tế làm việc là vấn đề đặt ra hiện nay.

Giữ chân được nhân lực y tế, tạo động lực cho nhân viên y tế làm việc là vấn đề đặt ra hiện nay.

Nhân lực chất lượng cao không phải một sớm một chiều đào tạo được

Bác sĩ Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho rằng, bệnh viện muốn phát triển được phải có 3 nền tảng vững chắc. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là nhân lực. Bệnh viện công lập cứ ra sức đào tạo, đến khi các bác sĩ, điều dưỡng vững tay nghề lại xin nghỉ việc khiến chúng tôi rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu cơ sở vật chất, máy móc có thể bổ sung nhưng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao thì không thể có ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy cần có cơ chế chính sách để thu hút và giữ chân y, bác sĩ, để họ yên tâm gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra, cần quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bộ Y tế cũng nêu, tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác. Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Như vậy, nguyên nhân, giải pháp cho thực trạng nhân viên y tế công đã được cơ quan chức năng trong đó Bộ Y tế nhận thực đầy đủ và có đề xuất giải pháp. Hy vọng, tới đây bài toán nhân lực y tế được giải quyết một cách căn cơ trên thực tế.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muon-giai-bai-toan-giu-chan-nhan-luc-y-te-cong-phai-giai-duoc-bai-toan-nang-cao-thu-nhap-post241411.html