Muốn giảm tham nhũng, tiêu cực phải gỡ nút thắt giữa doanh nghiệp với cơ quan công quyền
Muốn giảm tham nhũng, tiêu cực phải giải quyết 'nút thắt' là sự bình đẳng giữa doanh nghiệp với các cơ quan công quyền, ai sai cũng phải chịu trách nhiệm.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa 10 vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Vinh
Triển khai Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung được nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị.
Các tổ chức chính trị - xã hội là môi trường tốt, trường học tốt với doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Nghị quyết 68 là một trong 4 nghị quyết trụ cột mang tính chiến lược do Bộ Chính trị ban hành mới đây. Kinh tế tư nhân là động lực làm gia tăng của cải cho xã hội. Nếu không đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
“Hiện trong hệ thống mặt trận đã có VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, và một số hội khác. Có nên xem xét kết nạp thêm một số hội kinh tế tư nhân hoặc hội nghề nghiệp khác trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam hay không”, ông Huân đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam lưu ý, bên cạnh câu chuyện phát triển các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân thì cũng nên chú trọng việc thu hút doanh nghiệp tham gia các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội là môi trường tốt, trường học tốt đối với doanh nghiệp.
“Cách làm này vừa tăng thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết, vừa tăng cường giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, không để mất quyền kiểm soát trong các lĩnh vực kinh tế đang có xu hướng phát triển”, ông Huân nhận định.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh
Cần chú ý hơn nữa đến việc phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện Luật Dân chủ cơ sở. Vừa qua tôi đi công tác một số nơi, anh em phản ánh địa phương chưa quan tâm tới dân chủ cơ sở. Hai tháng vừa rồi có hiện tượng trong lúc “tranh tối tranh sáng”, tranh thủ xây nhà trên diện tích nông nghiệp, xây nhà không phép… Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Dẫn số liệu từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 đến giờ đã có 164 nhân sự do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và 7 nhân sự trong Bộ Chính trị bị xử lý, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Không được xem nhẹ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt khi kinh tế tư nhân trở thành 1 trụ cột quan trọng của đất nước.
Đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, giáo dục các tầng lớp nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, ông Túc nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng "nếu phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân, mà không có định hướng xã hội chủ nghĩa thì không hiểu đất nước sẽ đi đến đâu".
Chọn lãnh đạo có tính phản biện, không chỉ ngồi vỗ tay cho vui
GS.TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam bày tỏ sự yên tâm khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 đặt rất cao vai trò của doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Đệ khuyến nghị, các hội trực thuộc Mặt trận, đặc biệt các hội có quản lý đội ngũ doanh nhân, nên tiếp tục củng cố, sắp xếp, phát huy hiệu quả, hiệu năng của hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống.
Cũng theo ông Đệ, cả nước hiện có hơn 1 triệu doanh nghiệp. Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025-2030 có trên 2 triệu doanh nghiệp. Nhưng để có thể phát triển đội ngũ doanh nhân có chất lượng thì đòi hỏi phải đổi mới cách thức.
“VCCI trước đây hoạt động rất hiệu quả, năng động, sáng tạo, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Song giờ yếu hơn. Đề nghị Mặt trận củng cố lại VCCI, từ tổ chức Đảng đến công tác ban chấp hành; lựa chọn lãnh đạo có tinh thần đấu tranh phản biện, không chỉ ngồi vỗ tay cho vui rồi để công việc trì trệ. Nếu không, VCCI sẽ mất đi vai trò bà đỡ, ảnh hưởng tới cả đội ngũ doanh nhân Việt Nam, không thực hiện được Nghị quyết 68”, ông Đệ bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh
Hiện có khoảng 3.000 dự án bị đắp chiếu. Có những dự án chỉ vướng một ít thôi mà nằm mười mấy năm. Chống lãng phí là mặt trận rất quan trọng. MTTQ Việt Nam nên lưu ý, có kiến nghị với Đảng về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ở góc độ khác liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu quan điểm: Muốn giảm tham nhũng, tiêu cực thì phải giải quyết “nút thắt” là sự bình đẳng giữa doanh nghiệp với các cơ quan công quyền, ai sai cũng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, doanh nghiệp chậm đóng thuế hoặc có vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc nộp phạt hành chính… Ngược lại, cán bộ thuế, hải quan làm sai cũng phải bị xử lý. Mặt trận Tổ quốc cần có ý kiến về vấn đề này.
Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2025; báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 18 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam; dự thảo Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2026 - 2031; dự thảo định hướng trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026…