Muôn mặt nghề giao hàng (*): Góc khuất và uất ức

Nghề shipper có những góc khuất mà có trải nghiệm mới hiểu được

Với vốn liếng là những mẹo học được, tôi kỳ vọng sẽ mau chóng thạo nghề shipper. Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy.

Hơn 1 giờ, được 23.000 đồng

Trong giới shipper, mẹo tôi biết thì nhiều shipper khác cũng sở hữu. Ở các điểm nổi tiếng hoặc đang "hot trend" trên mạng xã hội, luôn có hàng chục shipper ngồi chờ "nổ đơn". Trong số này, không phải ai cũng nhận được cuốc gần, có nhiều cuốc phải đi rất xa, thậm chí có khi ngồi cả nửa buổi không có cuốc nào, phải di chuyển lần lượt đến những nơi khác chờ.

Sợ nhất là nhận đơn ở những tiệm trà sữa nổi tiếng, pizza, lẩu hoặc mì cay. Bởi để nhận được hàng giao cho khách, shipper phải xếp hàng chờ từ 10 - 20 phút. Quán tử tế thì còn có chỗ ngồi cho shipper, còn không phải xếp hàng đứng đợi giữa trời nắng đổ lửa hoặc dầm mưa. Thậm chí có chủ quán, nhân viên còn nạt nộ, dọa báo cáo lên hệ thống khiến shipper bị hạn chế nhận cuốc.

Nhớ có lần tôi giao nhận đơn bánh cuốn 103.000 đồng, quãng đường 4 km, tiền công là 12.000 đồng. Đang đi giao được nửa đường, khách nhắn chỉ còn 86.000 đồng, không đủ tiền trả, đề nghị hủy đơn. Rồi có lúc liên tục giao hàng, gọi điện mà khách không bắt máy, đến lúc mở máy thì hỏi: "Ủa giao gì á?!".

Shipper phải rong ruổi trên nhiều con đường để giao hàng, chở khách, chịu cảnh đội nắng, dầm mưa và đôi khi cả sự xem thường của khách hàng. Ảnh: VŨ LƯƠNG

Shipper phải rong ruổi trên nhiều con đường để giao hàng, chở khách, chịu cảnh đội nắng, dầm mưa và đôi khi cả sự xem thường của khách hàng. Ảnh: VŨ LƯƠNG

Giao cho khách ở chung cư cũng mang nỗi sợ bởi mỗi lần chờ khách lấy hàng, thời gian phải tính bằng chục phút do khách kẹt thang máy. Chiều tối 6-6, trời lất phất mưa, tôi đứng ở ngã tư Hoàng Diệu 2 - Tô Vĩnh Diện (TP Thủ Đức cũ) hy vọng "nổ đơn". Được một lúc, một vị khách ở địa chỉ chung cư Vinhome Grand Park (cách chỗ tôi đứng 10 km) đặt gà rán một quán nằm ở tầng 4 một trung tâm thương mại trên đường Lê Văn Việt.

Tổng thu nhập của cuốc này là 41.000 đồng (mỗi km giá 4.100 đồng - PV), tôi phải chi cho phí sử dụng ứng dụng và thuế gần 12.000 đồng, còn nhận được hơn 29.000 đồng. Tuy nhiên, để lên được quán ấy, tôi buộc phải gửi xe máy dưới tầng hầm trung tâm thương mại phí 6.000 đồng/lượt. Chưa hết, do thang máy trung tâm thương mại đã xuống cấp nên lên xuống mất 15 phút. Tôi nghe nhiều "đồng nghiệp" cùng đứng trong thang máy than: "Mỗi lần lấy hàng ở đây là một cực hình".

Lấy hàng xong, tôi di chuyển 10 km, chen chúc trong dòng xe cộ ùn ứ giữa trời mưa, tôi tá hỏa khi khách là người nước ngoài lại không sử dụng tiếng Anh. Bất đồng ngôn ngữ, tôi phải chật vật tìm đường đến 10 phút mới giao được đơn cho khách. Tính ra mất hơn 1 giờ nhận và giao hàng, tôi được 23.000 đồng.

Nghe tôi than tốn tiền gửi xe, một "đồng nghiệp" mách nước lần sau cứ "để đại" xe dưới khuôn viên trung tâm thương mại, đỡ tốn 6.000 đồng. Nghĩ đi nghĩ lại, nhỡ bị trộm mất xe thì coi như công sức đi làm vài tháng cũng đổ sông đổ bể.

"Luật ngầm" trong thế giới shipper

Sau vài ngày lăn lộn trên phố, tôi cảm nhận được những bất công, rủi ro và cả những "luật ngầm" trong thế giới shipper. Những cuốc xe xa tít tắp, đơn hàng bị bom, bị đánh giá thấp, bị kỳ thị, hay thậm chí là bị xâm hại... trở thành chuyện hiển nhiên với những ai theo nghề. Đây không chỉ là nghề lấy công làm lời mà còn là hành trình va đập với thực tế đời sống khốc liệt.

Chia sẻ với tôi, nhiều "đồng nghiệp" cho biết thường chạy khoảng 10 giờ/ngày, thu nhập cao nhất khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày sau khi đã trừ đi chi phí. Dĩ nhiên họ phải chạy liên tục, không dám nghỉ bởi không duy trì thường xuyên thì tỉ lệ "nổ" đơn sẽ giảm lại.

Shipper nữ cũng phải chịu đựng, nỗ lực chẳng khác nam giới. Ảnh: TRẦN THÁI

Shipper nữ cũng phải chịu đựng, nỗ lực chẳng khác nam giới. Ảnh: TRẦN THÁI

Một số shipper dày dạn kinh nghiệm còn tiết lộ có một thị trường riêng trong giới shipper, chạy xe công nghệ. Ông H. (làm nghề trên 5 năm) "bật mí" trong nghề này có cụm từ "đá cuốc" để nói về việc một số nhân viên của ứng dụng câu kết với các shipper hoặc tài xế công nghệ. Những nhân viên này sẽ ưu tiên những cuốc chạy gần, tiền nhỉnh hơn cho các shipper, tài xế công nghệ trong "thị trường riêng" của họ. Những cuốc xa, khó hơn sẽ đẩy sang cho những người ngoài hệ thống.

"Vừa nhận được cuốc ngon, chưa kịp đi lấy hàng hoặc đón khách thì đã bị hủy. Ứng dụng đưa ra lý do khách không còn nhu cầu nữa nhưng thực ra không phải vậy, họ hủy để đưa cuốc ngon này cho người trong thị trường riêng của họ. Các shipper, tài xế công nghệ trong hệ thống hằng tháng sẽ gửi tiền (trung bình là 2 triệu đồng) cho các nhân viên của ứng dụng, họ thậm chí còn tổ chức họp thường xuyên.

Để tham gia vào đây, phải thân quen và họ xét thấy "an toàn" thì mới được. Thỉnh thoảng ứng dụng đổi nguyên đội ngũ nhân viên là vì "thị trường riêng" bị bại lộ, có điều xong rồi thì đâu lại vào đó" - ông H. kể.

Những nỗi sợ không tên

Trong làng shipper có không ít người là nữ. Họ cũng rong ruổi nhiều con đường để giao hàng, chở khách, cũng chịu đựng, nỗ lực chẳng khác nam giới. Song với họ, có lẽ sợ nhất là những gã đàn ông "dê xồm". Chị Tâm (ngụ quận 8 cũ, chạy shipper hơn 3 năm) vẫn nhớ như in một kỷ niệm chẳng mấy tốt đẹp hồi mới vào nghề.

"Một lần tôi giao đồ ăn ở quận Bình Thạnh (cũ) sang TP Thủ Đức (cũ) cho một nhóm đàn ông. Đến nơi, một người trong nhóm ép tôi ngồi xuống uống một ly thì mới trả tiền. Tôi từ chối thì người này tìm cách đụng chạm, tôi sợ chạy đi luôn mà chưa kịp lấy tiền phí" - chị Tâm chia sẻ.

Cũng theo chị Tâm, đến bây giờ, khi chạy xe công nghệ mà gặp khách nam, chị cũng thấy lo, chỉ vì mưu sinh nên buộc phải chấp nhận. Sợ nhất là gặp khách say, bởi có nhiều người giả vờ say rồi sờ soạng. "Phụ nữ nào cũng thèm được mặc quần áo đẹp, son phấn, diện váy… nhưng đã chọn nghề này thì chỉ mong được nổ cuốc là vui lắm rồi" - chị Tâm chia sẻ.

Từng có mặt trong các đoàn phim lớn nhỏ làm trợ lý hiện trường, lo hậu cần, đôi khi đóng vai nhân vật quần chúng không lời thoại, Thanh Phương (25 tuổi, quê An Giang) kể: "Có "job" là tôi nhận hết, quay ở tỉnh cũng đi. Nhưng việc không đều, lương lại trả theo dự án, có khi vài tháng mới được nhận một lần. Những lúc không có lịch quay, tôi lại… làm shipper".

Từ năm 2 đại học, Phương đã bắt đầu làm thêm. Không tìm được nghề liên quan đến việc học, cô tự nuôi mình bằng đủ thứ nghề, từ phục vụ quán cà phê, bán hàng online, chạy việc vặt cho đoàn phim… miễn là có tiền đóng trọ, trả học phí. Cứ chịu khó chạy vào cuối tuần hoặc nhận đơn ở các dịp cao điểm, thời tiết xấu, thu nhập có thể nhích lên mức 8 - 9 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên theo Phương, xã hội vẫn còn cái nhìn định kiến về phụ nữ chạy "xe ôm", giao hàng. "Gia đình tôi ở quê nghĩ tôi làm nhân viên văn phòng, thỉnh thoảng có đi phim ảnh. Tôi không muốn họ lo" - Phương cười gượng gạo.

Làm công việc này, không ít lần Phương gặp những tình huống éo le. Có lần, sau 3 đơn hàng liên tiếp từ đường Phan Văn Trị đến Nguyễn Oanh, app báo đơn mới là một đơn hàng trà sữa trị giá 72.000 đồng, giao đến chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Gia Trí. Khi Phương tới nơi, bảo vệ không cho vào, sau 15 phút gọi điện cho khách nhưng không bắt máy, cô kiên trì gọi lần nữa.

Giọng nam trẻ, lạnh tanh: "Chị trễ rồi, hủy đi". Phương nhẫn nại nài nỉ. Khách không nói thêm, tắt máy. 10 phút sau, cô quyết định gửi trà sữa cho bảo vệ, chụp hình xác nhận giao hàng xong rồi quay xe. Đang chuẩn bị nổ máy, thì tiếng chửi vang lên sau lưng: "Giao kiểu đó mà gọi là shipper à? Đứng cả tiếng dưới này không giao lên nhà cho khách!".

Thực sự với nhiều người, công việc của shipper đơn giản là nhận hàng, giao hàng và thu tiền. Tuy nhiên có làm nghề, tôi mới thấy lắm lúc nghề này phải đối mặt với những tình huống mà không phải ai cũng hiểu. Bị đánh giá 1-3 sao vì giao hàng trễ; bị "bom" hàng nhưng quá trình phản hồi lên tổng đài lại hết sức gian nan; thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bị đánh giá kém dẫn đến giảm khả năng nhận cuốc...

Một tháng, hơn 1.100 shipper, tài xế công nghệ vi phạm giao thông

Từ ngày 15-5 đến 14-6, CSGT cả nước tập trung xử lý 1.193 shipper, tài xế xe ôm công nghệ vi phạm giao thông. Các shipper và tài xế xe ôm công nghệ vi phạm giao thông diễn ra phổ biến tại thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Các lỗi thường gặp là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sử dụng điện thoại khi lái xe và đi lên vỉa hè.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7

Anh Vũ - Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/muon-mat-nghe-giao-hang-goc-khuat-va-uat-uc-196250702201354756.htm