Muôn nẻo Euro: Tương thân tương ái

Dọc đường tác nghiệp, tôi khá lo lắng vì không biết chút tiếng Đức nào, mà chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sau hơn một tuần ở Đức, tôi thực sự biết ơn những người mình đã gặp.

Đặt chân tới Munich, tôi được chủ nhà người Việt ra tận nhà ga trung tâm (bên Đức sẽ có ga trung tâm, ga chính và các ga nhỏ) đón đưa về chỗ ăn nghỉ. Trên hành trình tác nghiệp, do phải di chuyển quá nhiều và thường xuyên nên tôi chỉ thuê nhà ở tạm. Mỗi nơi đến, tôi chỉ dừng chân 2 hoặc 3 ngày. Vì di chuyển bằng tàu nhanh (ICE) từ Paris (Pháp) sang Đức với khoảng cách hơn 600km và gần 6 tiếng ngồi tàu, nên tôi khá mệt. Tuy nhiên, chủ nhà của tôi vô cùng nhiệt tình và tốt bụng.

 Du khách cùng học sinh tới tham quan lâu đài Sanssouci.

Du khách cùng học sinh tới tham quan lâu đài Sanssouci.

Ngoài việc tranh thủ hướng dẫn tôi cách đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng ở Munich, làm thế nào để tránh lạc đường, không xuống nhầm bến... thì chủ nhà còn dành cho tôi một bát cơm với salad, trứng tráng vô cùng ngon, hấp dẫn. “Biết chị đã vài ngày không ăn đồ Việt Nam nên em nấu phần chị. Chị cứ thoải mái như ở nhà nhé. Phụ nữ sang đây công tác, lại đi một mình vất vả lắm. Giúp được gì em sẽ giúp, chị đừng ngại”, chủ nhà động viên khiến tôi vô cùng ấm lòng.

Cũng nhờ có chủ nhà (là sinh viên theo học tại Munich), mà ngay trong ngày đầu tiên tại Đức, tôi có thể đi lại từ nhà đến sân Allianz, đến Fanzone Olympiapark, các điểm nóng khác của Euro, nhà ga, bến tàu... để tác nghiệp, ghi chép lại những điều thú vị tại Euro 2024.

Ba ngày ở Munich, tôi đã quen dần với hệ thống giao thông nơi đây, nhưng lại phải lên đường. Điểm đến tiếp theo là Berlin, nơi tôi sẽ ở lại lâu nhất để tác nghiệp. Mỗi thành phố ở Đức thì hệ thống tàu điện và các phương tiện giao thông lại khác nhau một chút. Song xuống Berlin, đặc biệt là phía Đông thành phố, thì tôi gặp được rất nhiều người Việt tốt bụng. Họ có thể là những người tôi quen từ cách đây 20 năm ở Việt Nam, nhưng gần như không liên lạc gì sau một thời gian dài.

Chỉ đến khi qua mạng xã hội, họ biết tôi có chuyến công tác dài ngày ở Đức, vậy là chị em, anh em nhắn tin, gọi qua messenger để nhắn cho tôi, hỏi thăm sức khỏe, cần hỗ trợ gì thì đừng ngại, cứ nhắn lại. Đến Berlin, tôi càng hiểu hơn tấm lòng của người Việt. Cứ người này giới thiệu người kia, giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong ngày đầu tiên tới Berlin. Thậm chí, những lúc rảnh rỗi, họ còn gợi ý và dẫn tôi đi thăm những điểm du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng ở Berlin và những thành phố lân cận. Cũng có khi, tôi được mọi người dẫn đi thưởng thức các món ăn Việt Nam tại nhà hàng do người Việt làm chủ. Mọi người vừa ăn vừa hỏi chuyện quê nhà, chuyện phố phường Hà Nội, chuyện kinh tế đất nước phát triển, chuyện về đội bóng Hà Nội, Thể Công-Viettel, về bóng đá xứ Thanh, xứ Nghệ, thành Nam... Rồi anh chị em bình luận về Euro 2024. Ai cũng mong đội tuyển Đức vô địch Euro kỳ này, có vậy sẽ giúp nền kinh tế Đức khởi sắc, kích cầu, bà con ta làm ăn bên này cũng nhờ đó mà hưởng lợi.

Sau những bữa ăn ấm áp tình cảm, mọi người lại rủ nhau đi tham quan. “Quả thật, mỗi năm, chị dẫn vài ba đoàn khách Việt Nam sang tham quan thành phố. Dù vào đây rất nhiều nhưng mỗi lần đi là một lần cảm thấy phấn khích và đều như mới đến lần đầu. Lúc nào cũng rất muốn giới thiệu phong cảnh đẹp nước Đức tới khách tham quan Việt Nam, giúp mọi người chụp ảnh, lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất. Thực ra thì cũng không giúp gì được nhiều, nhưng cứ người Việt sang đây là đều muốn dẫn mọi người đi tham quan, đi khám phá nước Đức”, chị Minh-người tôi mới quen ở Berlin-đã trải lòng như vậy khi tranh thủ đưa tôi tới thăm lâu đài Sanssouci nổi tiếng ở thành phố Potsdam (Đức).

Bài và ảnh: GIA BÌNH (từ Berlin, Đức)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/muon-neo-euro-tuong-than-tuong-ai-781706