Mỹ bổ sung 128 triệu USD cho hỗ trợ y tế toàn cầu chống COVID-19

Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Podgorica, Montenegro ngày 16/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng - Ảnh: AFP/ TTXVN

* EU ủng hộ 3,6 tỉ USD giúp các nước Tây Balkan chống dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã bổ sung khoản tiền trị giá 128 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo và y tế toàn cầu nhằm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định: “Hôm nay, Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc đối phó đại dịch COVID-19 với khoản tiền hỗ trợ thêm cho nhân đạo và y tế toàn cầu trị giá 128 triệu USD”.

Thông báo cũng cho biết khoản tiền mới gồm ngân sách cho y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ cho việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát virus SARS-CoV-2 và giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong những người tị nạn và người di cư dễ bị tổn thương thông qua khoản hỗ trợ nhân đạo. Với số tiền hỗ trợ mới trên, tính tới nay tổng số tiền cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ sức khỏe, nhân đạo và hỗ trợ kinh tế toàn cầu cho hơn 120 quốc gia đã lên tới 900 triệu USD.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lưu ý rằng, chính quyền Mỹ và các tổ chức phi chính phủ đã cung cấp khoảng 6,5 tỉ USD hỗ trợ và quyên góp cho nỗ lực chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày Lầu Năm Góc thông báo đã ký một hợp đồng trị giá 126 triệu USD với nhà sản xuất 3M nhằm thúc đẩy việc sản xuất 26 triệu khẩu trang N95/mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 10 tới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Michael Andrews, ra tuyên bố cho biết Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để ký hợp đồng trên.

Hợp đồng này sẽ giúp tăng năng lực sản xuất/công nghiệp nhằm tiếp tục đảm bảo chuỗi cung ứng khẩu trang N95 ổn định và cung cấp lại cho Kho dự trữ quốc gia chiến lược để đáp ứng nhu cầu quốc gia đang gia tăng do đại dịch COVID 19 gây ra. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết để đáp ứng các mục tiêu về thúc đẩy năng lực sản xuất, nhà sản xuất 3M sẽ mở rộng cơ sở tại Aberdeen, S.D., và cũng thực hiện sản xuất ban đầu tại bang Wisconsin.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) luôn ủng hộ các đối tác ở khu vực Tây Balkan và tiếp tục cam kết hỗ trợ các nước này trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, giảm thiểu những tác động mà nó gây ra cho xã hội và nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội nghị thượng đỉnh EU đã được lên kế hoạch để trở thành điểm nhấn trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu luân phiên của Croatia.

Tuy nhiên vì cuộc khủng hoảng do COVID-19, hội nghị giữa các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU và các đối tác Tây Balkan này (bao gồm Serbia, Montenegro, Albania, Bosnia và Herzegovina, và Bắc Macedonia) đã buộc phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Theo tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến ngày 6/5, EU đã trao hơn 3,3 tỉ euro (3,6 tỉ USD) cho khu vực trên chống COVID-19 và phục hồi sau dịch bệnh này. Tuyên bố chỉ rõ trên thực tế, sự hỗ trợ và hợp tác của EU đã vượt xa tất cả những gì mà bất kỳ đối tác nào khác từng dành cho Tây Balkan.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đưa ra "sự ủng hộ rõ ràng" đối với nguyện vọng của 6 quốc gia Balkan trong việc gia nhập liên minh. Tuy nhiên, tuyên bố chung cũng nêu rõ mọi tiến triển của quá trình này đều phải phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của EU.

Tuyên bố nhấn mạnh EU quyết tâm tăng cường hơn nữa sự tham gia ở tất cả các cấp để hỗ trợ khu vực trên trong quá trình chuyển đổi về chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời hoan nghênh cam kết của các đối tác Tây Balkan đối với duy trì các giá trị và nguyên tắc châu Âu, cũng như thực hiện các cuộc cải cách cần thiết một cách triệt để và mạnh mẽ.

Cùng ngày 6/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi khối này cần tăng tính "tự chủ chiến lược" trong các chuỗi dây chuyền cung ứng vật tư y tế sau đại dịch COVID-19.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Borrell cho biết: "Thật không bình thường khi châu Âu không thể tự sản xuất một gam paracetamol, và 80% việc sản xuất các loại thuốc kháng sinh trên thế giới đều tập trung ở Trung Quốc”.

Quan chức trên thừa nhận rằng việc tin cậy vào các thị trường toàn cầu trong việc cung ứng đã trở thành bình thường, nhưng "trong thời khủng hoảng, điều này không còn đúng”. Ông đặt câu hỏi: "Khi chuỗi dây chuyền cung ứng cần rút ngắn thì tại sao không có những trung tâm sản xuất ở gần chúng ta hơn", đồng thời gợi ý khả năng phát triển sản xuất tại châu Phi.

Theo ông Borrell, đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của các kho dự trữ vật tư y tế chiến lược cũng giống như các kho dự trữ dầu mỏ hiện nay. Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính được sản xuất tại châu Âu, chỉ 20% được nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Trung Quốc cũng nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện không còn được bào chế nữa.

Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm, song nền sản xuất phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239540/my-bo-sung-128-trieu-usd-cho-ho-tro-y-te-toan-cau-chong-covid-19.html