Mỹ đẩy mạnh 'răn đe' Trung Quốc

Ngày 13-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đang tiến hành công du châu Á nhằm tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia đồng minh của Washington và đẩy mạnh 'răn đe' Trung Quốc.

Ngày 13-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đang tiến hành công du châu Á nhằm tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia đồng minh của Washington và đẩy mạnh "răn đe" Trung Quốc.

Cuộc họp trực tuyến của các lãnh đạo Bộ tứ ngày 12-3. Ảnh: AFP

Cuộc họp trực tuyến của các lãnh đạo Bộ tứ ngày 12-3. Ảnh: AFP

Đẩy mạnh như thế nào?

Ông Austin khởi hành chuyến công du châu Á từ Hawaii, trụ sở Bộ Tư lệnh Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Austin trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc.

Phát biểu với báo giới, ông Lloyd Austin nói: “Chuyến đi này hướng tới các liên minh và quan hệ đối tác. Nó cũng nhằm tăng cường năng lực quân sự. Lợi thế cạnh tranh mà chúng ta vốn có đã xói mòn. Chúng ta vẫn duy trì lợi thế đó và sẽ đưa lợi thế đó tiến lên. Mục tiêu là đảm bảo chúng ta có năng lực và các kế hoạch hoạt động… nhằm răn đe Trung Quốc hay bất kỳ nước nào muốn đối đầu Mỹ”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết trong lúc Mỹ lo tập trung vào cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến ở Trung Đông thì Trung Quốc đã tận dụng cơ hội hiện đại hóa quân đội với tốc độ cao.

Dự kiến, đồng hành cùng ông trong chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc còn có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Theo các nguồn tin, dự kiến hai quan chức hàng đầu của Washington sẽ thảo luận với hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về những thách thức lớn trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên. Ngoài ra, theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Austin sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh và các quan chức cấp cao khác của nước này để thảo luận về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác quốc phòng chủ chốt giữa Washington và New Delhi. Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ tới thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.

Trọng tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Lựa chọn châu Á làm điểm đến cho chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken và ông Austin, là minh chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang củng cố các liên minh cốt lõi của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước những lo ngại ngày càng tăng về một "Trung Quốc ngày càng quyết đoán" và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

"Ngoại giao đã trở lại. Các liên minh đang trở lại", Tổng thống Biden đã thể hiện rõ điều ông nhắc đi nhắc lại về cương lĩnh ngoại giao trong "Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời" hôm 3-3, nhằm truyền tải tầm nhìn của ông về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn chung ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

Chuyến đi của hai Bộ trưởng tới châu Á vào tuần tới là sự tiếp nối các nỗ lực tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, ngày 12-3 của Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Hội nghị được cho là một bước cụ thể hóa "cương lĩnh hành động ngoại giao" của ông Biden.

Vào tháng trước, Ngoại trưởng Blinken đã có buổi điện đàm với những người đồng cấp trong Bộ tứ. Bốn nước tái khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau đối với "vai trò trung tâm của ASEAN" và nhắc lại cam kết "thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đang thực hiện việc đánh giá về hoạt động của quân đội Mỹ trên toàn cầu, để có thể đảm bảo rằng các chính sách quốc phòng phù hợp với chính sách đối ngoại và các ưu tiên an ninh quốc gia của Washington. Việc này có thể sẽ dẫn đến việc điều chỉnh chính sách nhằm tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời được công bố vào tuần trước, Tổng thống Biden đã nêu rõ: "Lợi ích quốc gia quan trọng của Washington gắn liền với mối quan hệ sâu sắc với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Bán cầu".

Chuỗi các cuộc gặp trực tiếp cấp cao được lên kế hoạch sớm trong nhiệm kỳ báo hiệu chính sách đối ngoại của Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden là gia tăng ưu tiên đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang coi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_239870_my-day-manh-ran-de-trung-quoc.aspx