Mỹ dỡ trừng phạt nhiều cá nhân và doanh nghiệp Myanmar
Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt một số doanh nghiệp liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar. Quyết định được đưa ra không lâu sau khi lãnh đạo chính quyền gửi thư ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi nới lỏng trừng phạt.

Tướng Min Aung Hlaing – lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. (Ảnh: Reuters)
Thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/7 cho biết, công ty KT Services & Logistics và người sáng lập Jonathan Myo Kyaw Thaung; tập đoàn MCM và chủ sở hữu Aung Hlaing Oo; Suntac Technologies và chủ sở hữu Sit Taing Aung; cùng một cá nhân khác là Tin Latt Min, đã được đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ.
KT Services & Logistics và ông Jonathan Myo Kyaw Thaung bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ từ tháng 1/2022, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, vào dịp tròn 1 năm xảy ra cuộc đảo chính ở Myanmar.
Hai ông Sit Taing Aung và Aung Hlaing Oo bị đưa vào danh sách trừng phạt trong cùng năm vì hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng của Myanmar. Ông Tin Latt Min - được xác định là một người thân cận với chính quyền quân sự, bị đưa vào danh sách trừng phạt từ năm 2024, nhân dịp trong 3 năm xảy ra cuộc đảo chính.
Bộ Tài chính Mỹ không giải thích lý do đưa các công ty và cá nhân này ra khỏi danh sách trừng phạt. Nhà Trắng cũng không chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Ngày 11/7 vừa qua, tướng Min Aung Hlaing – lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, gửi thư đề nghị Tổng thống Trump giảm mức thuế quan 40% áp với hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Ông khẳng định sẵn sàng cử một đoàn đàm phán đến Washington nếu cần.
Trong thư phản hồi gửi tới ông Trump về mức thuế quan có hiệu lực từ ngày 1/8, ông Min Aung Hlaing đề xuất mức thuế giảm xuống còn từ 10% - 20%, đổi lại Myanmar giảm thuế với hàng nhập khẩu của Mỹ xuống còn từ 0 - 10%.
Ông Min Aung Hlaing cũng đề nghị Tổng thống Trump "xem xét việc nới lỏng và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Myanmar, vì các biện pháp đó cản trở lợi ích chung và sự thịnh vượng của cả hai quốc gia và người dân hai nước".
Myanmar là một trong những nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm chính trên thế giới. Đảm bảo nguồn cung khoáng sản là một trong những chương trình trọng tâm chính của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc - quốc gia chiếm 90% nguồn cung đất hiếm của thế giới.
Hầu hết các mỏ đất hiếm của Myanmar nằm trong các khu vực do Quân đội Độc lập Kachin (KIA) kiểm soát và được chế biến tại Trung Quốc. KIA là một nhóm vũ trang sắc tộc đang đối đầu với chính quyền quân sự.