Mỹ, Đức tái khẳng định quan hệ đồng minh

Theo Reuters, ngày 7-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định, Đức là một đồng minh đáng tin cậy của nước này và Washington hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền của ông Scholz. “Không có bất cứ nghi ngờ gì về quan hệ đối tác giữa Mỹ và Đức. Chắc chắn là không!”, Tổng thống Mỹ khẳng định.

Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Scholz cho rằng Đức và Mỹ có chung cách tiếp cận đối với Ukraine, Nga cũng như những biện pháp trừng phạt Moscow. “Chúng tôi sẽ đoàn kết. Chúng tôi sẽ hành động cùng nhau. Và chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết”, nhà lãnh đạo Đức cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức đã tránh đề cập trực tiếp tới tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2)-vấn đề từng tạo ra bất đồng chủ chốt trong quan hệ giữa Berlin và Washington-dù rằng ông có đưa ra cảnh báo về những bước đi “rất cứng rắn” nếu Nga có hành động quân sự đối với Ukraine. Vừa qua, chính quyền Berlin quyết định trì hoãn việc phê duyệt Nord Stream 2 cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2022 nhưng đồng thời lại từ chối hủy bỏ dự án. Thực chất, Đức vẫn theo đuổi Nord Stream 2 từ trước đến nay, bất chấp sự phản đối từ Mỹ.

Chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ của tân Thủ tướng Đức diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga xoay quanh vấn đề Ukraine. Bầu không khí này cũng bao trùm lên quan hệ Mỹ-Đức. Do đó, việc Washington và Berlin thể hiện quan điểm trong vấn đề này như thế nào sẽ tác động rất lớn đến quan hệ đồng minh giữa hai nước trong tương lai. Trong một động thái có liên quan, cũng vào ngày 7-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã hội đàm tại Điện Kremlin để thảo luận về quan hệ song phương và quốc tế, trong đó trọng tâm là bảo đảm an ninh ở châu Âu và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Riêng về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga cho rằng hiện đang có những nỗ lực phá vỡ thỏa thuận Minsk và bỏ qua cơ hội để khôi phục hòa bình toàn vẹn lãnh thổ Ukraine thông qua đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, Tổng thống Pháp nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tình hình, đồng thời cam kết Paris sẽ tiếp tục các nỗ lực trong khuôn khổ định dạng Normandy để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ tiến hành điện đàm sau chuyến công du của ông Macron tới Kiev và tiếp tục trao đổi các vấn đề liên quan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Thời gian qua, quan hệ song phương Mỹ-Đức có phần nồng ấm hơn sau 4 năm lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách củng cố và tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt với Đức-quốc gia đầu tàu ở châu Âu và là một trong những đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở “lục địa già”. Nhiều động thái từ Washington đã chứng minh điều đó, đơn cử như việc Tổng thống Joe Biden hủy kế hoạch của người tiền nhiệm nhằm rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Đức, mời cựu Thủ tướng Angela Merkel tới Nhà Trắng, từ bỏ trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2...

Mặt khác, Berlin cũng muốn tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh bền chặt với Washington bởi hai bên chia sẻ nhiều lợi ích, nhất là khi Mỹ còn triển khai quân đội và vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này. Trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Koerber có trụ sở tại Berlin vào cuối năm ngoái, 71% số người dân Đức đánh giá quan hệ hai nước đã được cải thiện đáng kể dưới thời Tổng thống Joe Biden so với chỉ 18% dưới thời ông Trump là Tổng thống Mỹ. Đương nhiên Thủ tướng Scholz sẽ tranh thủ những động lực tích cực trên để tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ, qua đó xây dựng hình ảnh là nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), tương xứng với vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu của nước Đức, tương tự như bà Merkel trước kia.

Thêm vào đó, cuộc gặp cấp cao đầu tiên của ông Scholz trên cương vị Thủ tướng Đức với Tổng thống Mỹ Joe Biden còn giúp xây dựng quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo. Sau khi bà Merkel rời khỏi vũ đài chính trị nước Đức, mối quan hệ giữa ông Biden với ông Scholz sẽ trở nên then chốt đối với hai đồng minh Mỹ-Đức nói riêng và với hai bờ Đại Tây Dương nói chung vào thời điểm Tổng thống Macron vẫn chưa tuyên bố liệu có tham gia tái tranh cử trong đợt bầu cử Tổng thống Pháp tới đây hay không, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang vướng vào cuộc khủng hoảng ở trong nước.

Văn Hiếu / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/my-duc-tai-khang-dinh-quan-he-dong-minh-55014.html