Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt, Chevron chuẩn bị quay lại Venezuela
Oilprice đưa tin hôm thứ Năm (24/7), chính quyền Trump đang chuẩn bị cấp phép mới nhưng sẽ bị giới hạn giấy phép, cho các công ty dầu khí hoạt động tại Venezuela, đầu tiên là với Chevron.

Ảnh minh họa
Quyết định này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với chiến dịch gây áp lực tối đa, vốn gần như làm tê liệt ngành năng lượng của quốc gia bị trừng phạt này. Động thái này diễn ra sau nhiều tháng vận động hành lang, các diễn biến địa chính trị, và một cuộc trao đổi tù nhân, vốn đã giúp xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Caracas.
Theo nhiều nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận, Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ cho phép Chevron tái khởi động hoạt động thượng nguồn tại Venezuela và tham gia vào các giao dịch hoán đổi dầu mỏ, nhưng với các điều kiện nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn lợi ích tài chính trực tiếp vào “tay” Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro. Giấy phép này sẽ cho phép Chevron thanh toán cho các nhà thầu, nhập khẩu thiết bị cần thiết và có khả năng hoán đổi dầu thô Venezuela lấy các sản phẩm tinh chế, tương tự như các ngoại lệ trước đây được cấp dưới thời chính quyền Biden.
"Chevron có thể thực hiện lại các chức năng của mình", ông Maduro tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, đồng thời tuyên bố rằng công ty đã được thông báo về các điều khoản cấp phép cho phép tiếp tục hoạt động tại quốc gia này.
Chevron - công ty trước đây khai thác tới 240.000 thùng mỗi ngày thông qua liên doanh với PDVSA của Venezuela, hoan nghênh quyết định này nhưng vẫn thận trọng. "Chevron hoạt động kinh doanh trên toàn cầu tuân thủ luật pháp và quy định áp dụng cho hoạt động kinh doanh của mình, cũng như khuôn khổ trừng phạt do chính quyền Mỹ đặt ra, bao gồm cả ở Venezuela", công ty cho biết trong một tuyên bố.
Cổ phiếu của công ty đã tăng lên 155,93 đô la vào thứ Năm (24/7) - mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 - sau tin tức này.
Quyết định của chính quyền Trump đánh dấu một bước ngoặt lớn so với lập trường cứng rắn trước đó. Vào tháng 2, chính quyền Mỹ đã thu hồi giấy phép của nhiều công ty, bao gồm cả Chevron, và cảnh báo người mua dầu thô Venezuela - đặc biệt là ở Trung Quốc - về các lệnh trừng phạt thứ cấp sắp xảy ra. Tuy nhiên, các hình phạt đó đã không hiệu quả, và sản lượng dầu của Venezuela vẫn ổn định khi dầu thô được chuyển hướng sang châu Á.
Sự thay đổi trên của chính quyền Trump diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc trao đổi tù nhân giữa Washington và Caracas, trong đó 10 người Mỹ bị giam giữ tại Venezuela được thả và hơn 200 người Venezuela từ El Salvador được hồi hương. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định giấy phép khai thác dầu mỏ không nằm trong chương trình trao đổi, tuy nhiên các nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi.
Ông Michael Shifter, thành viên cấp cao tại Đối thoại Liên Mỹ, cho biết: "Có lẽ thật khó có thể tin rằng ông Maduro sẽ thả các con tin người Mỹ mà không cần đòi hỏi giấy phép để Chevron khởi động lại hoạt động".
Không giống như các thỏa thuận trước đây, giấy phép mới được cho là sẽ có hiệu lực trong sáu tháng và sẽ không tự động gia hạn. Việc thanh toán cho Chính phủ Venezuela sẽ được lên kế hoạch để tránh chuyển tiền mặt trực tiếp, có khả năng sẽ sử dụng dầu mỏ làm phương tiện thanh toán tiền thuế tài nguyên và các loại thuế khác. Cách tiếp cận này nhằm giảm thiểu nguồn cứu trợ tài chính cho chính quyền Maduro, mặc dù những người chỉ trích cho rằng vai trò của PDVSA trong việc cấp phép xuất khẩu và thu thuế vốn dĩ đã chuyển nguồn lực cho nhà nước.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cho phép chính quyền Maduro hưởng lợi từ dầu mỏ, nhưng các giấy phép trước đây vô tình đã hỗ trợ Caracas thông qua cơ cấu tiền thuế tài nguyên và tiết kiệm chi phí nhập khẩu.
Không rõ liệu các giấy phép tương tự có được mở rộng cho các công ty châu Âu như Eni của Ý hay Repsol của Tây Ban Nha hay không, những công ty đã vận động hành lang để có thể đổi nhiên liệu lấy dầu thô của Venezuela.
Sự trở lại của Chevron được nhiều người coi là một chiến thắng chiến lược cho công ty, vì nếu Chevron rời đi thì khoảng trống trong ngành dầu mỏ Venezuela sẽ chỉ có Trung Quốc và Nga lấp đầy. Sự thay đổi chính sách này có thể ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ bị giảm đi tại thị trường năng lượng Mỹ Latinh.
Đối với thị trường dầu mỏ, tiềm năng nguồn cung mới từ Venezuela sẽ ảnh hưởng đến cả WTI và Brent, nhưng sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa EU và Hoa Kỳ đã đẩy giá lên cao hơn trong phiên giao dịch đầu giờ sáng ngày 24/7 tại châu Á.